Xây dựng nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo

Cập nhật ngày: 31/01/2022 09:34:49

ĐTO - Với định hướng khai thác những giá trị văn hóa bản địa và phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng của con người trên quê hương Đất Sen hồng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã chọn nội dung “Xây dựng nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” để xây dựng Nghị quyết chuyên đề nhằm tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

XÂY DỰNG VĂN HÓA, CON NGƯỜI ĐỒNG THÁP MANG ĐẶC TRƯNG RIÊNG

Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Từ nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện hiệu quả, gắn với xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp phát triển với những đặc trưng riêng.

Đồng Tháp còn quan tâm lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa thông qua công tác bảo tồn các Di sản văn hóa phi vật thể như: Nghề dệt chiếu xã Định An (xã Định Yên, huyện Lấp Vò); nghề đóng xuồng, ghe (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) và hò Đồng Tháp hay nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể đến du khách tại Bảo tàng tỉnh, các Khu di tích lịch sử - văn hóa và tại sự kiện văn hóa bằng nhiều hình thức đa dạng. Thường xuyên tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu, trưng bày, triển lãm hình ảnh, sản phẩm về nghề, làng nghề truyền thống như: sự kiện Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp, Những ngày văn hóa TP Cao Lãnh - TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hò Đồng Tháp, tỉnh đã sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi điệu hò Đồng Tháp; mở lớp tập huấn tại 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần mang lại sức sống mới cho điệu hò Đồng Tháp.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2, từ trái sang) trao đổi với người dân đến thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn xã Mỹ Trà (TP Cao Lãnh)

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng văn hóa mang nét riêng, tỉnh chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế. Theo đó, UBND tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động công vụ với các chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức nhằm mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân. Nổi bật là các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả mô hình “Nụ cười công sở” với phương châm 6 biết: “Biết chào - Biết cười - Biết lắng nghe - Biết hướng dẫn - Biết cảm ơn - Biết xin lỗi”. Để xây dựng chuẩn mực văn hóa trong hoạt động công vụ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm và chú trọng quy tắc ứng xử, tạo mối quan hệ gần gũi với người dân. Anh Lê Thanh Bằng - công chức văn hóa - xã hội thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) chia sẻ: “Trong công việc, tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn, giải thích cặn kẽ các yêu cầu về thủ tục, hồ sơ, quy trình và thời gian giải quyết theo cơ chế một cửa cho người dân, đơn vị. Bên cạnh đó, tôi còn rèn cho mình trở thành cán bộ, công chức văn hóa với thói quen chào hỏi, vui vẻ, hòa đồng khi giao tiếp với người dân, xin lỗi khi làm sai và cảm ơn khi được mọi người nhắc nhở, góp ý”.

Các cấp ngành, địa phương còn vận động, khuyến khích người dân tham gia tích cực phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng thời đưa các tiêu chí, chỉ tiêu, nhiệm vụ về bình xét các danh hiệu; chú trọng đổi mới các hình thức bình xét để các danh hiệu gia đình văn hóa, khóm/ấp văn hóa... đi vào thực chất, tránh chạy theo thành tích. Bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi gia đình, người dân trên quê hương Sen hồng đã phát huy vai trò hạt nhân góp phần xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp gần gũi, thân thiện, mến khách. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp tạo ấn tượng tốt đẹp trong các hoạt động giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Tuần lễ Văn hóa Du lịch được tỉnh tổ chức hàng năm góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Đồng Tháp với cả nước và quốc tế

HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA, CON NGƯỜI ĐỒNG THÁP NGHĨA TÌNH, NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO

Để phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng và phát triển đặc trưng văn hóa, con người Đồng Tháp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI chọn chủ đề “Xây dựng nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” để xây dựng Nghị quyết chuyên đề triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Chia sẻ về ý nghĩa cốt lõi của “nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” mà tỉnh định hướng xây dựng, đồng chí Nguyễn Ngọc Thương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Với góc độ của ngành, chúng tôi cho rằng, nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa đặc trưng Đồng Tháp, kế thừa và phát triển từ nền văn hóa Việt Nam, tiếp thu giá trị tiến bộ, nhân văn của nền văn hóa thế giới. Giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Đồng Tháp chính là những phẩm chất tốt đẹp về nghĩa tình, năng động, sáng tạo mà chúng ta đã và đang xây dựng, phát huy, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hướng đến khai thác những giá trị văn hóa bản địa và phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng của con người Đồng Tháp. Trong đó, tiếp tục tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội và xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn học nghệ thuật, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; phát huy vai trò của truyền thông và văn hóa số nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, văn hóa, con người Đồng Tháp đến cả nước và quốc tế...

Đối với Sở VH,TT&DL, sắp tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về văn hóa. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng rãi lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp. Trong đó, quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Đờn ca tài tử Nam bộ, hò Đồng Tháp. Hàng năm, duy trì tổ chức lễ hội Hoa Sa Đéc, lễ hội Sen Tháp Mười và nâng cấp Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường trở thành lễ hội cấp khu vực...


Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được tỉnh định hướng nâng cấp thành lễ hội cấp khu vực

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức lịch sử, văn hóa cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới”. Thực hiện có hiệu quả quy tắc ứng xử văn hóa, chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Xây dựng chính quyền thân thiện, cầu thị, minh bạch, phục vụ Nhân dân, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Thông qua các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các sự kiện văn hóa, thể thao... để giới thiệu, quảng bá rộng rãi lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn