Xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đảm bảo điều kiện lao động và quan hệ lao động của doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 30/08/2021 14:54:25

ĐTO - Thực hiện Nghị định số 145 ngày 14/12/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (viết tắt Nghị định số 145), Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành Công văn số 52 ngày 10/3/2021 về việc Công đoàn (CĐ) tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó chỉ đạo CĐ tham gia với người sử dụng lao động tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 145 cho đoàn viên, người lao động tại đơn vị. Đồng thời chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp; chuẩn bị nội dung, chương trình đối thoại, hội nghị người lao động theo đúng quy định của Nghị định số 145.


Các cấp Công đoàn trên địa bàn thành phố Sa Đéc phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh

LĐLĐ tỉnh xây dựng Kế hoạch số 17 ngày 31/3/2021 thực hiện Hướng dẫn số 726, Quyết định số 589 của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Trong đó giám sát 5 doanh nghiệp liên quan đến thực hiện chế độ chính sách của người lao động theo quy định Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Việc làm; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 18 ngày 7/4/2021 về nâng cao chất lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp và giám sát công tác thực hiện TƯLĐTT đã ký kết. Trong đó tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện TƯLĐTT đã ký kết tại một số Công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp thuộc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và LĐLĐ tỉnh để nắm lại thực trạng về hồ sơ hội nghị người lao động, những ưu điểm, hạn chế để tham mưu Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn về một số kỹ năng trong công tác lãnh chỉ đạo nhằm nâng cao công chất lượng các bản TƯLĐTT đã ký kết.

Các cấp CĐ tổ chức đối thoại, tăng cường các hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm, thương lượng nâng mức ăn ca cho người lao động và bổ sung vào TƯLĐTT nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động từ 15.000 đồng/người/suất trở lên. Tính đến tháng 6/2021, tỉnh có 225 doanh nghiệp có CĐCS, trong đó số doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tổ chức hội nghị người lao động theo Nghị định số 145 là 160 doanh nghiệp. Ban Chấp hành CĐCS doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức được 281 buổi đối thoại định kỳ và đột xuất tại các doanh nghiệp như: tổ chức đối thoại với tất cả người lao động ở từng bộ phận sản xuất; đối thoại với đại diện người lao động ở các tổ, bộ phận, phân xưởng; đối thoại với tất cả người lao động tại doanh nghiệp... với những cách làm này đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại doanh nghiệp cũng như giải đáp những thắc mắc của công nhân lao động.

Qua đó cho thấy, đối thoại là hình thức trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động, nhằm chia sẻ thông tin giữa hai bên, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc giữa các bên. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn rà soát, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT phù hợp với tình hình doanh nghiệp. Đối với những CĐCS chưa ký kết TƯLĐTT hoặc TƯLĐTT đã hết hạn thì hướng dẫn Ban Chấp hành CĐCS tiến hành tổ chức thương lượng và ký kết TƯLĐTT theo quy định hiện hành nội dung thương lượng tập trung những điều khoản có lợi cho người lao động như: tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, đơn giá từng mã hàng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, hỗ trợ tiền gửi trẻ độ tuổi mẫu giáo, mầm non, hiếu, hỷ, tham quan nghỉ mát... Tất cả các chế độ, quyền lợi đều được thương lượng, ký kết TƯLĐTT và được công khai cho người lao động biết.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn