Xót xa cảnh cha già nuôi 3 người con bị bệnh tâm thần
Cập nhật ngày: 16/03/2018 09:45:21
Vào một ngày cuối tháng 2/2018, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Đặng Văn Hòa Hiệp (ngụ phường 4, TP.Sa Đéc). Trong căn nhà xập xệ là cảnh người cha già đã ngoài 60 tuổi phải gồng gánh nuôi 3 người con bị bệnh tâm thần.
Ông Hiệp (bên phải) và 2 người con bị bệnh tâm thần Đặng Hòa Bình và Đặng Hải Đăng
Căn nhà nằm ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ ở khóm 2 mà phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm tới được. 3 người con của ông gồm: Đặng Hòa Bình (40 tuổi), Đặng Hải Đăng (38 tuổi) và Đặng Ngọc Lệ (34 tuổi) đều bị tâm thần. Ông Hiệp kể, lúc nhỏ thì tất cả đều bình thường nhưng đến khoảng 3 - 4 tuổi thì tất cả đều trở bệnh rồi tâm thần ngơ ngáo. Vợ mất sớm, ông phải một mình nuôi 3 người con. “Nỗi buồn biết gửi cho ai bây giờ, con cái sống với mình cả đời, chỉ có chết mới hết trách nhiệm, mới có thể xuôi tay nhắm mắt” – ông Hiệp tâm sự.
Lúc chúng tôi đến nhà cũng là lúc ông Hiệp vừa đi giăng lưới về. Thành quả của cả buổi giăng lưới từ lúc 3 giờ đêm là vài ký cá lòng tong và cá linh.
“Đi câu theo con nước, nước ròng thì bắt đầu chèo ghe dọc sông Tiền bắt cá kiếm thêm thu nhập nuôi tụi nhỏ. Ngày nào bắt được nhiều cá thì đem ra chợ bán được 40.000 - 50.000 đồng, ngày ít thì cũng đủ dùng trong gia đình. Nghèo lắm nhưng ráng để các con không đói là mừng!” - ông Hiệp nói.
Tuy vất vả, nhưng ít khi nào ông Hiệp than vãn, mặc dù sống với những người con tật nguyền, khù khờ nhưng tình thương của người cha vẫn luôn đong đầy. Nhìn những cặp mắt đờ đẫn, những cử chỉ quậy phá của những người con bị tâm thần chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi xót xa. “Có những lúc đêm hôm tôi đi câu lưới, thức khuya dậy sớm tôi không lo, cực khổ tôi không màng nhưng trong lòng không yên vì sợ ở nhà mấy đứa con có gì không ai lo”. Nói rồi ông Hiệp đi lấy gạo nấu cơm, nhìn vào trong thùng đựng gạo, chúng tôi thấy chỉ còn vài ký. Ông Hiệp đong chỉ hơn 1 chén rồi đem vo nấu cho 4 miệng ăn. Chúng tôi hỏi sao đủ ăn. Ông chỉ nhoẻn miệng cười: “Tháng có chừng hơn 20kg gạo. Nấu hết gạo rồi cuối tháng lấy đâu ra mà ăn”.
Ông Hiệp cũng cho biết nhà chỉ ăn cơm 2 buổi, buổi sáng lúc khoảng 9 giờ, còn buổi chiều thì khoảng 3 giờ. Ăn vậy cho đỡ tốn kém, để dành tiền mua thuốc những lúc mấy người con đau bệnh.
Theo ông Lê Kiều Tân - Phó Chủ tịch UBND phường 4, dù khốn khổ là vậy nhưng ông Hiệp vẫn tham gia chốt cứu hộ trên sông Tiền ở địa bàn phường 4. Nhiều trường hợp say xỉn, đuối nước đã được ông Hiệp cứu sống. “Gia đình chú Hiệp thuộc dạng hộ nghèo tại địa phương. Mỗi khi có mạnh thường quân giúp đỡ, phường vẫn thường ưu tiên dành phần cho gia đình chú. Chính quyền địa phương sẽ quan tâm giúp đỡ để chú và những người con bớt cơ cực hơn”, ông Tân nói.
Cảnh gà trống nuôi con đã là vất vả, đằng này, người cha tuổi đã xế chiều, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già và được con cái phụng dưỡng nhưng ngược lại ông Hiệp lại phải nuôi dưỡng 3 người con mang bệnh tâm thần, sự thiếu trước hụt sau của gia đình nghèo lại càng chồng chất lên đôi vai gầy yếu của ông. Hy vọng rằng sẽ có những nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm, chia sẻ về vật chất và tinh thần cùng với ông để ông bớt đi một phần nhọc nhằn và có thêm điều kiện chăm lo cho những đứa con thiếu may mắn.
GÕ KIẾN