Xu hướng sinh 1 con

Cập nhật ngày: 11/03/2019 17:20:32

ĐTO - Hiện nay, một số cặp vợ chồng ở Đồng Tháp, nhất là các cặp vợ chồng ở khu vực thành thị, khu công nghiệp có xu hướng lựa chọn sinh 1 con. Áp lực kinh tế, điều kiện chăm sóc trẻ khó khăn, tính chất công việc,... là những lý do được các cặp vợ chồng đưa ra.


Xu hướng sinh 1 con đang trở thành sự lựa chọn của các cặp vợ chồng ở khu vực thành thị, khu công nghiệp (ảnh minh họa)

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngói ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự đều là công chức. Với thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, vợ chồng chị phải tằn tiện mới đủ trang trải chi phí nuôi 1 đứa con. Chính vì vậy mà vợ chồng chị quyết định sẽ không sinh thêm đứa thứ 2 dù con trai đã hơn 5 tuổi. Chị Ngói chia sẻ: “Thời gian gần đây, ai cũng bảo tôi nên sinh thêm con, vì con tôi đã lớn. Với những câu thúc giục như vậy, tôi thường hay nói tránh đi là “điều kiện chưa cho phép”. Nhưng quả thật, tôi chưa nghĩ đến việc sinh thêm con, thậm chí còn nghĩ rằng sẽ không sinh thêm nữa, vì muốn dành thời gian, điều kiện để nuôi dạy con thật tốt”.

Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Diễm My ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, vì vất vả nuôi con gái đầu lòng, lo lắng không thể mua nổi nhà tại TP.Cao Lãnh khi vợ chồng chỉ làm công ăn lương, nên anh và chị cũng có ý định không sinh thêm con dù cả 2 mới ở tuổi 28. Chị My nói: “Trước đây, mình luôn nghĩ sẽ đẻ ít nhất là 2 đứa. Nhưng sau khi có con gái đầu thì lại khác. Bởi suốt 3 tháng đầu, đêm nào con cũng quấy khóc, rồi trở thành “khách quen” của bệnh viện vì bị viêm phổi nôn trớ, rối loạn tiêu hóa... Vợ chồng mình trở nên tiều tụy vì bao đêm phải thức trắng trông con. Không chỉ thế, các khoản chi phí để chăm sóc, nuôi dưỡng con cũng khiến chúng tôi điêu đứng”.

Khác với hoàn cảnh gia đình chị Ngói, chị My, vợ chồng anh Lê Văn Quý ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng vẫn trì hoãn việc sinh con thứ 2, dù đứa con đầu đã 5 tuổi. Nguyên nhân là do công việc của vợ chồng anh quá bận rộn không có nhiều thời gian dành cho con cái. Do đó, anh chỉ muốn sinh 1 con để tập trung chăm sóc, nuôi dạy con cho tốt. Anh Quý chia sẻ: “Vợ chồng tôi chịu nhiều áp lực cuộc sống gia đình hơn từ khi có con. Công việc thì đòi hỏi ngày càng cao, nếu có thêm đứa con nữa, e rằng vợ chồng tôi sẽ khó phấn đấu trong công việc. Hơn nữa, thời gian mà vợ chồng tôi dành để dạy con, chơi với con hiện nay đã rất ít, nếu có thêm đứa nữa thì sẽ không còn thời gian cho đứa lớn, như vậy sẽ thiệt thòi cho con”.

Ngoài những nguyên nhân như các vợ chồng nêu trên, nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con do ngại việc chăm trẻ, muốn tận hưởng cuộc sống riêng tư hơn, người mẹ muốn có nhiều thời gian chăm sóc bản thân,...

Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, những năm gần đây do công tác dân số phát huy tốt nên người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái, sinh con ít để nuôi dạy con tốt, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cặp vợ chồng có xu hướng chỉ sinh 1 con, sẽ làm nảy sinh vấn đề mức sinh thay thế không được bảo đảm, mất cân bằng giới tính, già hóa dân số,... Trong dân số học, bình quân 1 phụ nữ phải sinh ở mức 2,1 con mới đạt mức sinh thay thế, dưới con số này dân số sẽ ngày càng già. Hiện tỷ lệ sinh tại Đồng Tháp đang là 1,84 con/cặp vợ chồng. Con số này vẫn chưa đến mức báo động nhưng tỷ lệ này nếu không được tiếp tục duy trì sẽ rất dễ rơi vào tình trạng mức sinh thấp. Do đó, tại Đồng Tháp, chiến lược về dân số hiện nay là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” thay cho “Mỗi cặp vợ chồng nên có từ 1 đến 2 con” như trước đây.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn