Củng cố tổ chức đảng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong các trường học

Cập nhật ngày: 04/12/2013 03:50:16

Đến tháng 6/2013, toàn ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp có 661 tổ chức đảng/696 trường với 12.771 đảng viên, chiếm 57,90% tổng số viên chức ngành, so với năm 1998 tăng 47,30%, trong đó có 308 đảng viên là sinh viên, học sinh, 1.340 đảng viên là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng.

Qua 15 năm, thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong trường học, các cấp ủy đảng đã triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng. Như tiến hành khảo sát, nắm lại tình hình phát triển đảng viên ở từng trường, từng cấp học, xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục; điều chỉnh cán bộ quản lý, giáo viên là đảng viên ở các trường, sắp xếp lại tổ chức đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên sinh hoạt.

Các tổ chức đảng nhà trường đã phát huy được vai trò lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác chuyên môn, xây dựng Đảng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, kết quả xét và phân loại chi bộ, đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh được tăng dần hàng năm.

Công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên trong trường học được chú trọng. Cấp ủy địa phương đã lãnh đạo tổ chức nhiều phong trào để phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tích cực ở các trường. Trong 15 năm qua, đã có hàng ngàn cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Cán bộ quản lý, giáo viên sau khi học về đơn vị công tác có tiến bộ rõ nét, tinh thần ý thức tổ chức kỷ luật, tính xung kích trong các hoạt động của nhà trường và thực hiện nhiệm vụ được giao có nâng lên.

Các đối tượng là học sinh, sinh viên khá, giỏi, năng nổ tham gia các hoạt động và có động cơ học tập tốt hơn đã tác động tích cực đến phong trào quần chúng trong nhà trường, động viên họ tiếp tục phấn đấu, xây dựng lý tưởng sống tích cực. Kết quả, đã có hơn 11.000 cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như: số lượng đảng viên mới kết nạp có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực của ngành giáo dục; còn một số trường chưa có đảng viên, Hiệu trưởng của 28/696 trường chưa là đảng viên; có 35 trường có đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng, nhất là các trường Mầm non, nên đảng viên phải tham gia sinh hoạt ghép với chi bộ khóm, ấp.

Nguyên nhân do một số cấp ủy địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng viên trong trường học, có nơi chưa phân công cụ thể cấp ủy viên và đảng viên theo dõi, bồi dưỡng đối tượng được bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Công tác phối hợp của cấp ủy địa phương với ngành giáo dục về củng cố, phát triển tổ chức đảng trong trường học chưa chặt chẽ, còn 5% số trường chưa có tổ chức đảng. Giáo viên ở các huyện vùng sâu thường không phải là người địa phương nên khó bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng. Một số giáo viên có ý thức phấn đấu tốt nhưng vướng về quan hệ lịch sử chính trị, một số ít có tư tưởng không muốn vào Đảng.

Trong thời gian tới, việc tiếp tục tăng cường phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong các trường học cần quan tâm đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Phấn đấu từ nay đến 2015, 100% trường công lập có tổ chức đảng; trên 90% chi đảng bộ nhà trường đạt trong sạch, vững mạnh, không còn chi bộ yếu kém, 100% trường công lập có hiệu trưởng là đảng viên.

Ngoài ra, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó giữa các cấp ủy đảng, Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thành khối đoàn kết, thống nhất, dân chủ, tạo niềm tin cho giáo viên, sinh viên, học sinh. Các cấp ủy đảng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên trong trường học, phân công cụ thể từng cấp ủy viên và đảng viên theo dõi, bồi dưỡng đối tượng kết nạp.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn