Cảnh báo trẻ nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp tăng đột biến

Cập nhật ngày: 09/10/2018 07:00:55

ĐTO - Hơn 2 tuần qua, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp luôn trong tình trạng quá tải, nhiều giường bệnh phải ghép 2 bé nằm chung. Trong đó, gần nửa số bé phải nhập viện do các bệnh lý về hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.


Trẻ mắc các bệnh hô hấp đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Nguyên nhân trẻ nhập viện do các bệnh lý hô hấp tăng, bác sĩ Đoàn Thị Thu Thủy – Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa ĐồngTháp) cho biết: Do thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển, trong khi đó cơ thể trẻ không thích nghi với sự thay đổi đột ngột này. Hàng năm, khoảng tháng 7, tháng 8 là giai đoạn đỉnh điểm. Tuy nhiên, năm nay dịch bùng phát trễ và nhiều hơn so với mọi năm.

Cụ thể, 3 tuần trở lại đây, hàng ngày khoa tiếp nhận bình quân 40 – 42 ca bệnh về đường hô hấp. Các bác sĩ phải phân loại rất kỹ, chỉ những trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi có suy hô hấp mới chỉ định nhập viện, còn các bệnh hô hấp khác được điều trị ngoại trú để tránh quá tải. Thế nhưng, từ ngày 1/10 đến nay, mặc dù khoa chỉ có 150 giường nhưng có đến 260 trẻ phải điều trị nội trú tại khoa.

Vẻ mệt mỏi vì nuôi con nhiều ngày ở bệnh viện, chị Nguyễn Thị Kim Hiền (xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) chia sẻ: “Con tôi nhập viện được 10 ngày, lúc đó bé mới 19 ngày tuổi. Ban đầu, bé xổ mũi, ho và quấy khóc. Tôi đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám thì nói bé bị viêm tiểu phế quản và cho thuốc uống, về được 2 ngày thì thấy tình trạng bé trở nặng, thở nhanh và khó, khi thở thì thấy lồng ngực hút lõm vào trong. Tôi tức tốc đưa bé vào đây thì bác sĩ bảo bé bị viêm phổi nặng, phải dùng máy hỗ trợ hô hấp. Qua điều trị, hiện tại bé đã khỏe, thở và bú bình thường. Trẻ bệnh quá đông, con tôi phải nằm chung giường với 1 bé khác cũng bị viêm phổi”.

Theo bác sĩ Thủy, các bệnh hô hấp trẻ mắc phải chủ yếu là viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,... do nhiễm các loại virus hoặc vi khuẩn. Trong đó, virus hợp bào (RSV) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi. Viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh. Viêm phổi do virus có rất nhiều loại. Có loại virus có thuốc điều trị như CMV, thủy đậu...

Tuy nhiên, RSV là loại virus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc không cần dùng kháng sinh, chỉ điều trị triệu chứng như rửa mũi, long đờm, vỗ rung... Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp. Các triệu chứng khi nhiễm virus RSV thường rất giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như: chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém... Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, khò khè, khó thở, tím tái, bỏ bú, ngừng thở,... Những trường hợp này phải nhờ tới máy hỗ trợ hô hấp và thở oxy. Hầu hết viêm phổi do RSV sẽ khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tuần điều trị. Những trẻ dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong cao bao gồm: trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai), trẻ bị mắc các bệnh tim bẩm sinh và các bệnh mãn tính.

Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, bác sĩ Thủy khuyến cáo: Nên mang khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường để tránh tác động xấu tới đường hô hấp; cho trẻ mặc ấm giúp trẻ dễ thích nghi với điều kiện môi trường; không để trẻ ngậm đồ chơi; không để máy điều hòa, quạt máy trực tiếp thổi vào trẻ; tránh nơi gió lùa mạnh, nhất là hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, tránh nơi có nhiều nguồn bệnh,... vì các loại virus đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho hoặc hắt hơi.

Virus cũng được hít hay truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt virus có thể sống nhiều giờ trên các vật dụng như bàn và đồ chơi. Trẻ sẽ có khả năng nhiễm các virus gây bệnh nếu vô tình chạm vào những đồ vật có chứa virus và đưa lên miệng.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng hệ miễn dịch cho trẻ. Cụ thể, đối với trẻ trên 2 tuổi, bữa ăn nên có đẩy đủ các nhóm dưỡng chất cơ bản để tăng sức đề kháng, đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng hệ miễn dịch.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn