“Không ai bị bỏ lại phía sau”

Cập nhật ngày: 16/07/2024 13:45:15

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240716014620dt2-2.mp3

 

ĐTO - Học thuyết Mác - Lênin được đánh giá là một trong những học thuyết nhân đạo, cách mạng và khoa học nhất của lịch sử tư tưởng nhân loại. Học thuyết luận giải sự nghiệp giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công và hướng đến “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” trên nền hiện thực tự giác của chính người lao động và toàn xã hội. Khát vọng về một xã hội tốt đẹp ấy cũng là sự lựa chọn của nhiều tổ chức quốc tế. Tổ chức Liên hiệp quốc đã xác lập mục tiêu phát triển bền vững với khẩu hiệu “Không ai bị bỏ lại phía sau” rất đẹp và sáng. Nhưng, hiện thực cuộc sống và quá trình thực hiện vẫn còn xa mờ. Và vì vậy, chúng ta buộc phải tìm hiểu, luận bàn và dự báo.

Liên hiệp quốc (UN: United Nations) đã thông qua mục tiêu phát triển bền vững (SDGs: Sustainable Development Goals - UNSDG). Mục tiêu này thay cho mục tiêu thiên niên kỷ trước đó (MDGs: Millennium Development Goals). Trong UNSDG, “Không ai bị bỏ lại phía sau” (LNOB: Leave no one behind hoặc No one is left behind) là trung tâm thuộc Chương trình nghị sự đến năm 2030. “Không ai bị bỏ lại phía sau” được hiểu là cùng tiến, không bị tụt lại, dừng lại hoặc bị gạt ra ngoài cuộc hành trình. Chương trình đầy tham vọng này vô cùng nhân văn! Chương trình xác định khuôn khổ hạt nhân là bình đẳng (Equality) và không phân biệt đối xử (Non-Discrimination). Điểm mấu chốt của Chương trình là cách tiếp cận toàn diện với một loạt các bước: Xác định ai là người bị bỏ lại phía sau và tại sao bị bỏ lại phía sau; các biện pháp hiệu quả để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nó; giám sát và tính toán của tiến trình; bảo đảm về trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các chủ thể. Nó cũng yêu cầu sự tích hợp phương pháp này vào các chương trình và chính sách hỗ trợ của UN cho các nước thành viên.

Hầu hết các quốc gia mà trong đó có Việt Nam đang xúc tiến nhiều chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và hiện thực hóa mục tiêu ấy. Việt Nam từng được quốc tế đánh giá cao khi về đích sớm đối với MDGs. Chỉ riêng về kết quả giảm nghèo cũng đã minh chứng đầy thuyết phục (năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo là 58,1% đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%). Là một quốc gia có nền tảng kinh tế - xã hội định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam có nhiều lợi thế khi thực hiện LNOB. Cả hệ thống chính trị chỉ có mục tiêu chung duy nhất là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”. Các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội đều hướng đến công nhân, người lao động, người nghèo, nhóm người bị tổn thương để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng. Cũng trong năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” với số vốn khoảng 849.500 tỷ đồng (riêng vốn tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng). Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Việt Nam đã và sẽ tạo được kỳ tích trong thực hiện LNOB.

Tuy nhiên, “Ý tưởng sáng” không thể “chiếu rọi” khắp mọi nơi và đến được với mỗi cộng đồng hay từng người. Nhiều nhóm người hay mỗi người nếu “Không bị bỏ lại phía sau” thì cũng đang “lê bước” chậm chạp trên hành trình đến với thịnh vượng. Chưa nói đến mặt khách quan của chiến tranh, xung đột, thiên tai và dịch bệnh, địa bàn cư trú và điều kiện riêng của mỗi hộ gia đình, không ít người đang rơi vào cảnh túng quẫn khó bề thoát được. Khá nhiều nơi, con người sống “màn trời chiếu đất”, thiếu đói, thất nghiệp... Một số quốc gia hiện đại, nhiều nước phát triển đang dẫn đầu cuộc đua. Ở một số vùng là đầu tàu, động lực được Nhà nước và doanh nhân “ưu ái” đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang bức phá vượt lên. Trong khi những nơi xa xôi hẻo lánh bị “nắng bụi mưa bùn” và nhiều hộ gia đình đang nghèo, thất học, bệnh tật... tiếp tục lao dốc. Niềm tin của dân gian về “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” vẫn chưa được minh chứng vững chắc trong nhiều trường hợp cụ thể. Người ta đang nói đến hiện tượng “nghèo truyền kiếp”, “nghèo vĩnh viễn”. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), khoảng 770 triệu, tương đương 10% dân số thế giới đang trong tình trạng thiếu đói và hơn 3 tỷ người không đủ khả năng để có chế độ ăn lành mạnh. Dù có thành tựu cao được đề cập bên trên, trong năm 2023, Việt Nam có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với năm 2022. Viễn cảnh “bị bỏ lại phía sau” đang hiện hữu với không ít người, vùng và lãnh thổ. Do vậy, “Chung tay vì người nghèo” đang được đặt ra trên bình diện không chỉ trong địa bàn nhỏ, mà ở phạm vi quốc gia và quốc tế với nhiều cách làm mới theo nền nhận thức mới.

“Không ai bị bỏ lại phía sau” hay “Tiến cùng thời đại” là khát vọng, kỳ vọng chính đáng và tốt đẹp của loài người và mỗi người. Học thuyết của Marx đã giải “ước nguyện” ấy với các yếu tố khách quan vững chắc khi lực lượng sản xuất phát triển cao trên cơ sở quan hệ sản xuất công hữu. Trong tương lai gần, nỗ lực thực hiện ý tưởng sáng “Không ai bị bỏ lại phía sau” sẽ dần được lộ diện nhưng vẫn còn “mờ” lắm vậy.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn