Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ở Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 09/10/2024 10:58:07
Kỳ cuối: Xây dựng Đảng về đạo đức - Việc làm tự giác và thường xuyên
Xây dựng Đảng về đạo đức chính là đề cao tính tự giác, nêu gương trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
>> Kỳ 1: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị
>> KỲ 2: Chú trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng
>> KỲ 3: Xây dựng Đảng về tổ chức đạt nhiều kết quả tích cực
Thanh niên Công an huyện Lấp Vò thực hiện Chương trình Xuân tình nguyện năm 2024
Tổng kết 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (năm 2006), Đảng ta đã khẳng định: “Đảng đã kiên trì và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, trong đó nhấn mạnh “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là điểm mới rất quan trọng và không phải lần đầu tiên Đảng ta đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức. Nhưng, đây là lần đầu tiên xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng ta đặt lên ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương
Thời gian qua, công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai thực hiện thường xuyên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 14/4/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với quy mô toàn tỉnh để triển khai, quán triệt Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tỉnh đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ. Qua đó, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đã ban hành rất nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được thực hiện hằng năm (từ năm 2022 - 2025); xây dựng bản tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đăng ký thực hiện, định kỳ hàng tháng và cuối năm có nhận xét, đánh giá.
Định kỳ hàng quý, từ chuyên đề toàn khóa và chuyên đề hàng năm, các chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với những nội dung liên quan trực tiếp nhiệm vụ chính trị của chi bộ và đảng viên. Qua đó, phát hiện nhiều gương “Người tốt, việc tốt”, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nổi bật là các mô hình: “Nghĩa tình Quân - Dân vùng biên” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “Ngôi nhà thanh niên chuyển đổi số” của huyện Hồng Ngự; “Kết nối yêu thương - Người có giúp người khó” của TP Hồng Ngự; “Sổ tay đảng viên làm theo gương Bác” của TP Sa Đéc; Chuyên mục “Tiếng nói Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với học Bác mỗi ngày” của huyện Cao Lãnh; “Liên kết sản xuất phát triển kinh tế, xã hội hóa cầu, đường nông thôn” của huyện Lai Vung; “Mảnh ghép yêu thương” của huyện Châu Thành; “Trạm dừng chân nghĩa tình” của Đảng ủy Công an tỉnh; “Chuyến xe san sẻ yêu thương” và “Tra cứu thông tin thủ tục hành chính bằng mã QR Code” của huyện Tam Nông; “Đảng viên thực hành tiết kiệm gây quỹ hỗ trợ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn” của huyện Tân Hồng; “Mỗi tuần một câu chuyện hay, tấm gương đẹp” và “Mỗi tháng một mô hình mới, cách làm hiệu quả” của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; “Ngày Chủ nhật thân thiện” của TP Cao Lãnh... từ đó, từng bước xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và gương mẫu; quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách; luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị. Từ đó, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chuyển biến từ nhận thức và hành động, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc chưa khoa học, chưa gương mẫu và chưa sâu sát; chủ động, sáng tạo, chú trọng thực hiện việc làm theo và nêu gương về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đoàn kết nội bộ, trách nhiệm trong công việc, tận tụy phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp.
Đoàn viên Phường đoàn Mỹ Phú (TP Cao Lãnh) tích cực hỗ trợ hộ kinh doanh trên địa bàn phường cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Mỹ Xuyên)
Xây dựng Đảng về đạo đức phải tự giác, thường xuyên
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Trong đó, chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; xây dựng tác phong làm việc, lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chống cục bộ địa phương, bè phái; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, nhân rộng kịp thời các nhân tố tiêu biểu, có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để tuyên truyền, vận động toàn dân cùng thực hiện, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, việc làm hình thức trong triển khai thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; lấy “xây” để “chống”. Đề cao tinh thần “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống.
Phải gắn xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Phú Nghĩa