Bóng đá Đồng Tháp: Khó khăn và thách thức
Cập nhật ngày: 24/09/2014 13:25:06
Nhằm giúp người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà biết được những thuận lợi, khó khăn cũng như công tác chuẩn bị của Câu lạc bộ (CLB) Tập đoàn Cao su Đồng Tháp trong mùa giải mới, phóng viên Báo Đồng Tháp phỏng vấn ông Vương Thanh Trung - Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp.
Sau chức vô địch giải hạng Nhất và giành quyền lên chơi V-League 2015, bóng đá Đồng Tháp đang gặp khó khăn về tài chính
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình nhân sự của đội bóng sau mùa giải 2014? Đội hình hiện tại của Đồng Tháp (ĐT) có đủ sức chinh chiến khi đội nhà góp mặt ở giải đấu số 1 Việt Nam không, thưa ông?
Ông Vương Thanh Trung (V.T.T): Đội tuyển hiện có 7 cầu thủ là lực lượng nồng cốt của đội U21ĐT chuẩn bị tham dự vòng chung kết Giải bóng đá U21 Quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên năm 2014 tại Cần Thơ vào đầu tháng 10/2014. Số còn lại các cầu thủ gốc ĐT hiện rất cần có chủ trương cho phép gia hạn hợp đồng như: Văn Bước, Được Em, Minh Lợi, Duy Khanh, Hải Đăng... Cầu thủ ngoại cũng cần có chủ trương trong thời gian tới, nhưng theo thông lệ phải ở chế độ chờ, không thể sớm quyết định. Hy vọng, qua vòng chung kết giải U21 sẽ phát hiện thêm các nhân tố có thể đáp ứng yêu cầu sân chơi chuyên nghiệp.
PV: Theo ông, những thuận lợi và khó khăn mà đội bóng đang gặp phải trước mùa giải mới là gì?
Ông V.T.T: Đội tuyển tỉnh nhà vừa giành chức vô địch tại giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2014, được trở lại sân đấu đỉnh cao Việt Nam làm nức lòng các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Mới đây, đội U15ĐT đã vượt lên các trung tâm đào tạo bóng đá mạnh toàn quốc để đem cúp vàng về cho tỉnh nhà, khẳng định ĐT là địa phương có bề dày về truyền thống, là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá hiệu quả của cả nước.
Tuy nhiên, tác động của suy thoái kinh tế kéo theo việc các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài trợ cho bóng đá. Cụ thể, 2 năm gần đây, kinh phí tài trợ và quảng cáo của Tập đoàn Cao su Việt Nam gặp khó khăn ảnh hưởng lớn đến các hoạt động và các mục tiêu dài hơi của CLB. Nếu như các CLB tiên tiến trên thế giới chủ động với 3 nguồn thu chủ lực là: bản quyền truyền hình, xổ số bóng đá, chuyển nhượng cầu thủ và bán vé thì thực tế bóng đá Việt Nam không thể có điều này, mà phần lớn họ sống nhờ các “ông bầu” có tiềm lực cùng sự quan tâm của địa phương bằng các dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trong thời gian ngắn, các CLB bóng đá hiện nay chuyển từ hình thức hoạt động phúc lợi xã hội sang hoạt động kinh doanh là không dễ thực hiện...
Thực tế, kể từ khi bóng đá tỉnh nhà chuyển sang cơ chế doanh nghiệp đã nảy sinh nhiều điều bất cập. Trong đó, vấn đề bị động về tài chính hàng năm đã ảnh hưởng đến việc đầu tư cho các đội bóng, vì vậy thành tích thi đấu không ổn định. Về kinh phí, do 2 năm Tập đoàn Cao su không thực hiện tài trợ, phần lớn kinh phí được hỗ trợ từ Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết (XSKT) Đồng Tháp nhưng không đủ trang trải. Hiện nợ thuế của Công ty khoảng 5 tỷ đồng, nợ phải chi năm 2014 khoảng 5 tỉ đồng (do cân đối dự giải 2014 dự trù 15 tỉ đồng, nhưng hiện mới nhận 9,5 tỉ đồng).
PV: Các bước chuẩn bị và mục tiêu cụ thể của đội bóng trong mùa giải sắp tới ra sao, thưa ông?
Ông V.T.T: Vừa qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về kế hoạch phát triển bóng đá Đồng Tháp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 theo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng câu hỏi chưa có lời giải, bên cạnh các mục tiêu của kế hoạch đã không thấy đề cập đến các giải pháp có tính khả thi về kinh phí cho bóng đá chuyên nghiệp...
Dự kiến mùa giải 2015 (không kể kinh phí đào tạo trẻ), Công ty phải chi khoảng 31/35 tỷ đồng theo yêu cầu của Ban Tổ chức V-League (hiện số liệu đầu tư của mùa giải 2014: CLB XSKT.Đồng Nai 38 tỷ đồng, ĐT.Long An 34 tỷ đồng hay B.Bình Dương 70 tỉ đồng). Trong khi dự kiến nguồn thu của CLB, Công ty TNHH MTV XSKT Đồng Tháp chỉ khoảng 12/ 31 tỷ đồng, bài toán kinh phí còn lại chưa có đáp số. Như vậy, cần kêu gọi sự đồng hành, tiếp sức từ Liên đoàn Bóng đá tỉnh, thành lập Hội bảo trợ, tài trợ và quảng cáo từ các doanh nghiệp hay mua vé năm ủng hộ bóng đá...
PV: Để giúp đội bóng đá Đồng Tháp được thi đấu và hoàn thành mục tiêu ở V- League 2015, Công ty sẽ có những chiến lược như thế nào? Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh thì việc tìm nhà tài trợ và một số nguồn thu khác sẽ được thực hiện ra sao?
Ông V.T.T: Vấn đề sống còn của bóng đá chuyên nghiệp ĐT là phải tiếp tục đổi mới cơ chế để định hướng với kế hoạch dài hơi. Bởi, doanh nghiệp quản lý bóng đá hiện tại chỉ là hình thức, thực chất là đùn đẩy cho các cấp lãnh đạo, thiếu tính khả thi như đã phân tích ở trên. Việc thay đổi thói quen luôn vấp phải những rào cản như thời gian qua là không dễ thực hiện, nhưng rất cần sự quyết đoán theo hướng khả thi hơn.
Sắp tới, Công ty có thể tách đội tuyển và đội trẻ U21 thành lập CLB chuyên nghiệp với tên gọi mới giao cho 4 doanh nghiệp nhà nước và Đài Phát thanh Truyền hình quản lý, điều hành thi đấu theo hệ thống bóng đá chuyên nghiệp. Trước mắt, dùng phương thức quảng cáo trên trang phục, sân bóng đá và sóng truyền hình, vận động tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng kinh phí hỗ trợ từ nhà nước, tìm ra nguồn tài chính khoảng 30 - 35 tỉ đồng để chuẩn bị thi đấu tại mùa giải 2015. Mục tiêu trước mắt phấn đấu trụ hạng và thi đấu hay, đẹp có thành tích tốt để thu hút nhiều người đến sân ủng hộ, từng bước xã hội hóa theo hướng doanh nghiệp cổ phần.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phước Lộc (Thực hiện)