Bóng đá Việt Nam và những bước tiến ở sân chơi châu lục

Cập nhật ngày: 11/04/2014 04:44:53

Hai đại diện của bóng đá Việt Nam tại AFC Cup đều đã vào vòng knock-out, thậm chí V.Ninh Bình còn chắc suất đầu bảng. Điều đó cho thấy AFC Cup là sân chơi phù hợp với chúng ta, với điều kiện các đội bóng nội dốc sức cho sân chơi ấy…


Khi quyết tâm cao, V.Ninh Bình và Hà Nội T&T chứng tỏ họ
đủ sức tiến xa tại cúp châu Á

Khi các đội bóng nội quyết thắng

V.Ninh Bình vẫn đang bất bại tại AFC Cup (4 thắng, 1 hòa). Họ đã chắc chắn được đứng đầu bảng và cũng chắc chắn sẽ được đá trận đấu knock-out thuộc vòng 2 trên sân nhà.

Hà Nội T&T cũng giành vé vào vòng 2, và ngoại trừ trận thua trên đất Malaysia mà cầu thủ của đội bóng thủ đô than phiền không đủ sức đá vì bị ngộ độc thực phẩm, ở các trận đấu còn lại, đoàn quân trong tay HLV Phan Thanh Hùng đều toàn thắng.

Khát khao thể hiện của Hà Nội T&T ở đấu trường châu Á thì khỏi phải bàn cãi. Ngay trước mùa giải 2014, bầu Hiển đã xác định rằng đội của ông phải thi đấu tốt ở sân chơi châu lục. Sau khi bị loại khỏi sân chơi hơi quá tầm là AFC Champions League, Hà Nội T&T tiếp tục nêu cao quyết tâm ở AFC Cup.

Với V.Ninh Bình, họ có thể thất thường tại V-League, nhưng ở AFC Cup, nơi bầu Trường cũng tỏ ra khá mặn mà, đội bóng đất Hoa Lư thi đấu rất hiệu quả.

Với những doanh nhân như bầu Hiển, bầu Trường, họ thừa hiểu rằng cơ hội thi đấu ở sân chơi châu lục cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp mà họ đang làm chủ. Việc đội bóng chơi tốt ở cúp châu Á cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người bên ngoài biên giới Việt Nam biết đến những thương hiệu đi kèm với đội bóng hơn, mà tham vọng của các ông bầu vừa nêu có lẽ không dừng lại ở chuyện kinh doanh sản phẩm ở nội địa.

Thành ra, kiểu gì thì kiểu, bầu Hiển luôn thúc các cầu thủ của mình đá hết sức ở AFC Cup, trong khi bầu Trường cũng không muốn mất mặt. Điều đấy vô hình chung giúp cho bóng đá Việt Nam được hưởng lợi. Và thấy rõ là khi các đội bóng của chúng ta quyết tâm, chúng ta đủ sức tiến sâu ở AFC Cup, như B.Bình Dương từng vào đến tận bán kết giải này năm 2009.

Thách thức đến từ phía Tây

Hầu hết các đội bóng mạnh nhất ở phía Đông châu Á, như các CLB của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thậm chí là từ Thái Lan (Buriram United và Muangthong United) đều đã tham dự AFC Champions League.

Các đội bóng còn lại thuộc khu vực phía Đông đến từ Malaysia, Myanmar, Singapore, Hong Kong… vốn không hơn bóng đá Việt Nam, nếu không muốn nói là thường kém về chất lượng ngoại binh. Thế nên, việc các đội bóng trong nước đánh bại các đội này để đi tiếp vào vòng sau không có gì là bất ngờ.

Nếu để đi tìm thách thức thực sự cho các đội bóng Việt Nam ở AFC Cup, thì có lẽ những thách thức này sẽ xuất hiện từ vòng tứ kết trở đi, thời điểm mà các đội bóng phía Đông sẽ đấu chéo với các đội bóng ở phía Tây châu Á.

Tây Á có rất nhiều đội bóng mạnh. Cho dù những đội mạnh nhất khu vực phía Tây cũng đã dự AFC Champions League, nhưng phần còn lại của họ vẫn được đánh giá cao, nếu so với các đội bóng Đông Nam Á.

Về mặt tố chất, các đội bóng Tây Á đến từ Bahrain, Qatar, UAE… sở hữu các cầu thủ bản địa có thể hình, thể lực tốt hơn các cầu thủ Đông Nam Á. Họ cũng dẻo dai hơn, giàu kỹ thuật hơn, tinh quái hơn, hợp hơn với môn chơi đòi hỏi nhiều va chạm như bóng đá.

Dù vậy, thành công cho đến thời điểm này của 2 đại diện thuộc V-League là Hà Nội T&T và V.Nình Bình ở sân chơi châu lục cũng rất đáng ghi nhận, bởi thành công đó cho thấy nếu chúng ta thực sự quyết tâm và có định hướng đúng ở sân chơi châu lục, chúng ta không phải đến nỗi mất mặt.

Thế nên, điều quan trọng bây giờ với bản thân từng CLB và với những người điều hành bóng đá nội là ở chỗ là sao để các đại diện của bóng đá nội mỗi khi đá quốc tế xứng đáng với 2 từ “đại diện”, làm sao để các đội bóng trong nước không phải e dè khi làm nhiệm vụ quốc tế và không ra sân với tâm lý chưa đã muốn… buông, như từng xảy ra trước đây!

Nguồn: Kim Điền-dantri.com.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn