Quả bóng vàng World Cup cho Messi

Chỉ là sự an ủi?

Cập nhật ngày: 15/07/2014 05:03:00

Messi lên nhận giải thưởng cá nhân trong tâm trạng chẳng vui vẻ gì. Với nhiều người, danh hiệu QBV World Cup dành cho anh cũng giống như một sự an ủi, chia sẻ với “bên thua” nhiều hơn là một sự “ghi công” chính xác. Messi giỏi, nhưng tin rằng ở Brazil lần này chẳng thiếu những người xứng đáng bước lên bục hơn anh.


Lionel Messi nhận danh hiệu quả bóng vàng World Cup 2014. Ảnh Getty

Messi không phải người “đưa” Argentina vào chung kết

Messi không phát huy được hết tài năng một phần vì Argentina không phải là Barca. Có lẽ lúc này Messi rất thấm thía việc không có những đồng đội xuất sắc thì đường chuyền tạo cơ hội cũng không thể trở thành pha kiến tạo ăn bàn được. Mà những Higuain, Aguero, Lavezzi cũng không phải không xuất sắc, chỉ là trong số đó quá nhiều người đánh mất phong độ, chơi tệ ở giải năm nay, không đúng với đẳng cấp của mình.

Việc Messi đá lùi cũng không có gì quá đặc biệt, đơn giản vì nếu đá cao anh sẽ có ít khoảng trống, không có được tầm quan sát rộng, và sau lưng cũng chẳng có ai cung cấp bóng tốt như ở Barca. Không nên coi đó là sự hi sinh hay cái gì ghê gớm, chẳng qua Argentina thấy rằng Messi lùi thấp xuống sẽ dễ đá và có ích hơn là cắm phía trên, nó vì lợi ích tập thể nhưng cũng là vì lợi ích của chính Messi mà thôi.

Dù nói sao thì Messi vẫn chưa thực sự đáp lại hoàn hảo những kỳ vọng về một “Maradona thứ hai”. Nếu một siêu sao cứ đá tiền đạo là chê tiền vệ dở, đá tiền vệ là chê tiền đạo dở nên khó ghi bàn, thì nghĩa là anh ta cần các đồng đội đều phải hay, phải thăng hoa thì bản thân mới tỏa sáng được, như thế thì tầm vóc của “siêu sao đầu tàu” đâu còn gì khác biệt? Chưa nói lực lượng mà Messi được chơi cùng còn tốt hơn tất cả những tập thể của Robben, James Rodriguez, Ronaldo, hay Shaqiri, Sanchez. Khó đòi hỏi Chúa phải ưu đãi Messi hơn nữa, khi ở cấp câu lạc bộ anh cũng đã được đặt vào một Barca quá hoàn mỹ và phù hợp để bay cao đến tận bây giờ. Dĩ nhiên bóng đá luôn cần tập thể, song với một cá nhân được tung hô quá nhiệt tình và hay được gán vào các giải thưởng như Messi, người ta mong đợi, xét nét anh hơn là điều dễ hiểu.

Thực tế là Messi đã không có đóng góp thiết thực lắm kể từ trận gặp Bỉ, rồi sau đó là Hà Lan. Không ai bắt Messi nhất định phải tự thân ghi bàn, nhưng nếu coi tổng thể nhiệm vụ của anh là “tấn công và góp phần tạo nên bàn thắng” thì những dấu ấn của Messi không hề liên quan trực tiếp đến việc Argentina vượt qua tứ kết và bán kết. Thậm chí để “thu phục” Thụy Sĩ, Messi phải chờ một pha mất bóng ngớ ngẩn của hậu vệ đối phương mới có thời cơ chuyền bóng cho Di Maria, trong bối cảnh cả trận anh đã chơi nhạt nhòa.

Bù lại sự thiếu sắc bén của hàng công, những thắng lợi của Argentina chịu ảnh hưởng nhiều hơn của “tuyến sau” - những người có nhiệm vụ đánh chặn, phòng thủ và giữ sạch lưới, ví dụ như Mascherano hay Zabaleta, Romero chẳng hạn. Họ có tác động quan trọng vào các tỷ số, giúp đội bóng tiến sâu. Do đó, thật khó nói rằng Messi đã “đưa” Argentina vào chung kết, đó là thành tựu của toàn đội, của chiến thuật, và đôi phần may mắn nữa.

Messi còn thực sự “chạm đáy” ở trận gặp Hà Lan khi anh bị phong tỏa hoàn toàn, cứ định đột phá là mất bóng. Phía bên kia Robben cũng chẳng khác gì, nhưng sự khập khiễng trong chất lượng đội hình khiến cho không mấy ai thất vọng về người Hà Lan cả, họ được đến thế là tốt lắm rồi. Công của Messi rất lớn, ảnh hưởng trên sân của anh là không thể thay thế, nhưng những gì tốt nhất Messi đã làm cho Argentina dường như nằm ở vòng đấu bảng. Nói là Messi “đưa” Argentina qua vòng bảng thì sẽ thuyết phục hơn nói anh đưa Argentina vào chung kết.

Còn nhiều người xứng đáng

Năm 2010, dù không được dự trận chung kết nhưng Forrlan của Uruguay vẫn giành giải Quả bóng vàng trước sự ngưỡng mộ và khâm phục của đông đảo khán giả. Với tài năng của anh, với những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân kéo dài liên tục qua nhiều trận đấu mà mỗi lần lên tiếng là một siêu phẩm, không ai có thể nghi ngờ về phần thưởng cho Forlan, ngay cả khi còn nhiều ngôi sao lớn đã chơi ở trận đấu sau cùng quan trọng nhất giải.

Năm 2006, Zidane dù thất bại cùng đội tuyển Pháp trước người Ý, cá nhân thì bị thẻ đỏ khiến đội bóng gặp bất lợi, nhưng anh vẫn qua mặt Pirlo cùng Canavaro của đội vô địch để được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất. Năm ấy, khả năng dẫn dắt của Zidane là tuyệt vời, anh là nhạc trưởng tài ba, nhà phân phối xuất chúng giữa một tuyển Pháp thiếu ổn định, đến cả cú húc đầu trứ danh của anh cũng để lại sự cảm thông nhiều hơn là trách móc.

Đó là những tiền lệ rất gần của những một người không vô địch nhưng được tôn vinh cá nhân đầy xứng đáng. Năm 2014 này, những nhân tố nổi bật không nổi hẳn được đến tầm như thế, nhưng nếu có ai giữ được mạch phong độ cao xuyên suốt và “dính chân” vào mọi thành công của đội bóng thì đó có lẽ là Robben. Ngoài trận gặp Argentina khi đối phương có nhiều hậu vệ giỏi và chơi kiểu bao vây, đông đúc từ đầu đến cuối, thì Robben đã luôn luôn là ngòi nổ sát thương mạnh mẽ trong tay Van Gaal. Vòng bảng đã hay, các trận loại trực tiếp anh cũng đều đều tạo nên điểm nhấn. Đến trận tranh hạng ba, pha thoát xuống của Robben khiến Thiago Silva phạm lỗi cũng đã mở ra cho Hà Lan sự dễ dàng sau đó.

Muller hay Kross cũng chơi ổn, song hai cầu thủ này không quá bứt ra khỏi cái hay chung của tập thể đội Đức, họ hay vì cả đội chơi hay. Nó rất giống với Bayern năm 2013, Ribery chỉ được đề cử QBV như một sự ghi nhận thành tích của câu lạc bộ, hơn là vì một mình anh có thể sánh được với Messi và Ronaldo. Tiếc là Colombia bị loại từ tứ kết, nếu không còn một ứng cử viên rất đáng nói là James Rodriguez. Cầu thủ sinh năm 1991 này là nhựa sống của Colombia, anh có những pha xử lý đẳng cấp, thể hiện sức bứt phá, phô diễn trình độ cao bất kể khi đội bóng thắng hay thua. Có lẽ một phần vì đã là Vua phá lưới (Chiếc giày vàng) nên James không được ưu tiên ở hạng mục QBV nữa.

Tóm lại, các giải thưởng cá nhân ở World Cup năm nay hầu hết đều được số đông tán thành, từ Neuer cho đến James Rodriguez, rồi cả giải Cầu thủ trẻ xuất sắc của Paul Pogba. Còn Messi, anh đã bỏ lỡ cơ hội trở nên vĩ đại dưới cấp độ đội tuyển, và 4 năm sau ở tuổi 31 anh chắc sẽ lại nuối tiếc cơ hội lần này. Với thành tích bao năm qua, anh nhận được nhiều sự yêu thích, cảm tình trong giới làm nghề, không khó hiểu khi có những lá phiếu nhằm tô thêm sự lung linh cho sự nghiệp của một huyền thoại, khi đây có thể đã là kỳ World Cup tốt nhất của anh. Giải thì đã trao rồi, tranh cãi sẽ lắng dịu, chỉ e rằng với bản thân Messi, QBV ấy sẽ nhắc anh về nỗi buồn, sự day dứt, hơn là những gì vinh quang, vui sướng.

Nguồn: Mạnh Quang - Thể thao Việt Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn