Chuyên nghiệp hóa bóng đá Đồng Tháp

Giữ gìn bản sắc và thương hiệu

Cập nhật ngày: 09/10/2013 04:39:42

Bóng đá chuyên nghiệp giờ đây được xem là một sản phẩm vàng, thế nhưng tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và đương nhiên là cả Việt Nam ... bóng đá hiện vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng về giá trị của sản phẩm...

Bản sắc và thương hiệu

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Đồng Tháp là đội bóng hợp nhất lực lượng từ hai đội bóng thuộc tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc, nhanh chóng hòa nhập khẳng định vị thế vùng Tây Nam bộ. Tại giải bóng đá Cửu Long năm 1976 chào mừng đất nước thống nhất, Đồng Tháp đã giới thiệu hình ảnh và ghi tên mình tham dự giải bóng đá đỉnh cao quốc gia lần đầu tiên năm 1980. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, nên bóng đá Đồng Tháp không thể duy trì được đẳng cấp.

Phát huy truyền thống, năm 1987 đội Đồng Tháp tự tin trở lại thi đấu ở hạng đỉnh cao và đã hai lần bước lên bục đăng quang ngôi vị vô địch quốc gia 1989, 1996. Vượt qua phạm vi bóng đá trong nước, Đồng Tháp cũng đã tham dự giải vô địch Đông Nam Á (Cúp C 1) và là đội của Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng hai, sau khi thắng đội ChurChill (Ấn Độ) với tỷ số 1 - 0 năm 1997. Từ đó các thế hệ cầu thủ ưu tú từ Hồng Vân, Anh Tuấn, Công Nhậm, Văn Thành... đến Công Minh, Quốc Cường, Tấn Thành... đã có nhiều đóng góp thành tích cho địa phương và quốc gia trên đấu trường của khu vực.

Từ năm 1998 đến 2003, Đồng Tháp vinh dự đuợc Ủy ban Thể dục Thể thao chọn thực hiện chương trình đào tạo tài năng bóng đá quốc gia, đã đào tạo và đóng góp nhiều tài năng cho các đội tuyển quốc gia chinh phục các giải trẻ khu vực và châu lục, góp phần vào bảng thành tích chung của bóng đá Việt Nam từ năm 2000 - 2005. Thương hiệu bóng đá được chứng minh qua cấp độ trẻ quốc gia từ năm 2000- 2010 Đồng Tháp đã bội thu nhiều bộ huy chương vàng, bạc, đồng và vinh dự được đại diện quốc gia tham dự Asean Cúp U13- 2010. Tiếp nối các thế hệ cầu thủ đi trước, nhiều tài năng trẻ xuất hiện như : Văn Ngân, Văn Pho, Thanh Bình, Việt Cường và Tấn Trường, Được Em, Duy Khanh... cùng thế hệ hiện nay đã khẳng định tài năng như: Bửu Ngọc, Thanh Hào, Thanh Hiền và Sơn Hải, Thiện Chí, Trường Khang... đã thi đấu hiệu quả cho đội tuyển TĐ.CSĐT và quốc gia, là niềm tự hào của người hâm mộ bóng đá trong cả nước.

Còn đó những bất cập

Bóng đá Đồng Tháp sau nhiều năm trụ hạng khó khăn, vất vả ở sân chơi chuyên nghiệp, năm 2013 phải xuống thi đấu giải hạng nhất quốc gia. Sự bất cập về mô hình quản lý và nguồn tài chính đầu tư đã kéo theo hệ lụy hàng năm chảy máu về chất xám của nhiều thế hệ cầu thủ và huấn luyện viên mà đến nay chưa có điểm dừng. Trên bình diện các CLB hạng nhất quốc gia năm 2013, việc kinh phí hoạt động của CLB cho cả đội tuyển TĐ.CSĐT tham dự giải hạng nhất và bộ máy quản lý đào tạo cầu thủ trẻ mặc dù được phê duyệt khiêm tốn khoảng 25 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này việc giải ngân tài chính mới khoảng 18 tỷ đồng đã ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu trọng tâm cho các hoạt động.

Thành tích thi đấu đã không đáp ứng được lòng mong đợi, cơ chế quản lý hoạt động không theo kịp xu thế phát triển chung là hạn chế của bóng đá Đồng Tháp. Khó khăn còn đeo đuổi khi hiện nay xu hướng nhiều phụ huynh trong tỉnh đã chủ động đưa con em mình đến gia nhập các trung tâm đào tạo có điều kiện ưu đãi hơn như: ĐT.Long An, PVF.HCM và HA.Gia Lai... Rồi việc ngân sách hằng năm giành cho bóng đá những khoản chi không nhỏ nhưng không đạt được kết quả như mong muốn đã tạo nên dư luận trái chiều ...

Thực tế bóng đá chuyên nghiệp ở bước đầu đột phá có nhiều cách làm, nhiều mô hình, nhưng điều quan trọng là phải nhìn nhận bóng đá như một ngành nghề mới của xã hội, nó phản ánh khách quan các đặc điểm, điều kiện, tiềm lực của xã hội đó. Tại chương trình tầm nhìn Châu Á ở Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Châu Á đã nhìn nhận: "Bóng đá chuyên nghiệp giờ đây được xem là một sản phẩm vàng, thế nhưng tại nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và đương nhiên là cả Việt Nam... bóng đá hiện vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng về giá trị của sản phẩm này, chưa được tận dụng một cách triệt để ". Do vậy để chuyên nghiệp hóa cần thận trọng định hướng, vì đây là giai đoạn quá độ khó khăn để trở thành các CLB tiên tiến trên thế giới.

Nhìn nhận khách quan hiện nay, khi đội bóng rớt hạng nếu không nhanh chóng củng cố sẽ dẫn đến tụt hậu và gặp nhiều khó khăn cho bước phát triển tiếp theo... Vì vậy, cần khẳng định mục tiêu phát triển của bóng đá Đồng Tháp phải sớm nâng cao thành tích và củng cố hệ thống đào tạo tài năng trẻ để xây dựng nền tảng phát triển lâu dài. Từ đó, CLB sẽ có động lực mới và uy tín thương hiệu, thông qua thu hút nhiều người quan tâm đến hoạt động bóng đá, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi quảng cáo tài trợ, bản quyền truyền hình và các dịch vụ khác... Khai thác tốt các nguồn lợi này góp phần giảm gánh nặng từ ngân sách Nhà nước và để tích lũy, đầu tư phát triển chính đáng.

Vượt qua thách thức hiện nay để bóng đá tiếp tục được phát triển là yêu cầu chính đáng của số đông những người yêu mến bóng đá Đồng Tháp. Sự hâm mộ này không đơn thuần là cảm nhận mà còn là niềm tin, niềm tự hào về bản sắc truyền thống và thương hiệu của địa phương.

Trường Thư

Kỳ tới: Thách thức của sự phát triển

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn