Chuyên nghiệp hóa bóng đá Đồng Tháp (kỳ II)
Thách thức của sự phát triển
Cập nhật ngày: 16/10/2013 03:23:42
Chiến lược hợp tác cùng Tập đoàn Cao su Việt Nam để vực dậy bóng đá Đồng Tháp đã thể hiện quyết định đúng đắn về sự quan tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, tiêu chí xây dựng bóng đá chuyên nghiệp với pháp nhân là doanh nghiệp là một thách thức không nhỏ bởi từ tư duy bao cấp với hình thức hoạt động phúc lợi xã hội chuyển sang hoạt động kinh doanh là không dễ thực hiện...
Thực trạng chuyên nghiệp hóa
Hội nhập bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN), đội Đồng Tháp sau nhiều lần rớt hạng đã bộc lộ những hạn chế về sự đầu tư chưa tương xứng với các yêu cầu phát triển. Nhiều bản báo cáo tổng kết đã vạch ra nhưng rất tiếc nó chỉ dừng lại ở các giải pháp tình thế. Năm 2008, chiến lược hợp tác cùng Tập đoàn Cao su Việt Nam (TĐCS) để vực dậy bóng đá Đồng Tháp, thể hiện quyết định đúng đắn về sự quan tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh. Cuối năm 2010 theo yêu cầu thực hiện lộ trình chuyên nghiệp hóa, Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp được thành lập.
Tuy nhiên thách thức tiêu chí xây dựng Câu lạc bộ (CLB) BĐCN, pháp nhân là Doanh nghiệp Nhà nước, với Hội đồng thành viên lãnh đạo trên tinh thần kiêm nhiệm và những ảnh hưởng của hệ thống CLB trước đây vốn là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước là một thách thức. Từ tư duy bao cấp với hình thức hoạt động phúc lợi xã hội chuyển sang hoạt động kinh doanh là không dễ thực hiện. Đó là chưa tính CLB và đội bóng còn là giá trị về văn hóa truyền thống, là nguồn lực của sự nghiệp Thể dục Thể thao (TDTT) ở địa phương.
Hiện nay, các CLB BĐCN chưa đủ sức hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh, bởi xét về trình độ, qui mô, tiêu chuẩn đánh giá, nó vừa có đặc điểm kinh tế - xã hội vừa có đặc điểm sản phẩm dịch vụ của bóng đá dưới dạng phi vật chất, chắc chắn phải khác mô hình doanh nghiệp sản xuất vật chất. Khi CLB vẫn lệ thuộc vào sự tài trợ của doanh nghiệp với động cơ khác nhau, đôi khi chưa phải chí cốt để phát triển bóng đá...
Bên cạnh BĐCN thành tích cao, Đồng Tháp còn tự hào là một trong những trung tâm đào tạo cầu thủ tài năng của cả nước, là nền tảng để BĐCN phát triển ổn định lâu dài. Nhưng gần đây trước những biểu hiện sa sút về các điều kiện ăn, ở, tập trung các đội bóng trẻ, việc khai thác sân bãi tập luyện còn chồng chéo... đặc biệt gần đây khi khó khăn tài chính của đơn vị kéo dài, dẫn đến các kế hoạch về văn hóa, chuyên môn không thể đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo tài năng.
Đổi mới để vượt qua thách thức
Qua khảo sát các CLB cho thấy chỉ nơi nào có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương về tháo gỡ cơ chế đặc thù bằng các chính sách ưu đãi cho nhà tài trợ thì việc tái đầu tư cho BĐCN mới có hiệu quả như: Hà Nội T&T, SL.Nghệ An, SHB.Đà Nẵng, HA.Gia Lai, B.Bình Dương... Ngày nay sự đồng hành của các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng như: Liên đoàn bóng đá địa phương, Hội cổ động viên, Ban Bảo trợ - Tài trợ và sự ủng hộ của Truyền thông - Truyền hình... để thúc đẩy BĐCN phát triển. Đặc biệt, việc hình thành Trung tâm Đào tạo tài năng Bóng đá trẻ theo đề án phát triển BĐCN của Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) như: Viettel.Hà Nội, SL.Nghệ An, SHB.Đà Nẵng, HA.Gia Lai... nhằm tạo ra nền tảng vững chắc, kế thừa truyền thống và sớm hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng.
Với thực trạng của tỉnh nhà, việc mời gọi một số doanh nghiệp có tiềm lực tham gia mô hình quản lý, giúp sức cho CLB là cần thiết. Ngoài ra, việc thành lập Ban Bảo trợ - Tài trợ để huy động khoảng 10 doanh nghiệp, với mức tài trợ vừa phải từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ năm, tạo ra nguồn tài chính khoảng 5 - 10 tỷ đồng là hết sức quan trọng. Tất yếu để việc xã hội hóa thành công, vai trò chủ đạo của lãnh đạo tỉnh vẫn là đặc biệt quan trọng để các doanh nghiệp cùng đồng hành. Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông, truyền hình có ý nghĩa quan trọng đến việc mời gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp gắn với sự kiện thi đấu bóng đá của CLB trong sân đấu, trận đấu, giải đấu và chuyên mục BĐCN, thể thao...
Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, những CLB hoạt động hiệu quả thường có hình thức tinh gọn như Công ty “con” trực thuộc Công ty “mẹ” có tiềm lực, với phạm vi tập trung quản lý đội tuyển hoặc thêm đội trẻ cùng những mục tiêu trọng tâm để bảo đảm nâng cao thành tích, thương hiệu cho CLB. Vậy sự cần thiết phải thành lập Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ hoạt động như đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Vì thực tế hoạt động của Công ty Bóng đá trong thời gian qua đã tạo tâm lý bất an đối với những người trực tiếp làm chuyên môn bóng đá, do bộ phận này cũng có xuất phát điểm là người của đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng hiện tại các chế độ, chính sách trước đây thuộc CLB cũ chưa được giải quyết thỏa đáng, đồng thời mức độ hưởng thụ chính sách hiện nay có sự chênh lệch khá cao giữa lĩnh vực đội tuyển và công tác đào tạo tài năng trẻ.
Khai thác đúng tiềm năng và những giá trị của BĐCN sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế cho xã hội, đồng thời sản phẩm làm ra sẽ góp phần tích cực đến các ngành: thương mại, tín dụng, du lịch, xổ số, truyền hình... Sự cạnh tranh mang tính nghệ thuật cao của BĐCN là điều kiện để hưởng thụ về mặt văn hóa tinh thần cho nhân dân. Năm 2013, đội TĐCS Đồng Tháp không thể lên hạng làm cho người hâm mộ cảm thấy buồn bã trước quy luật nghiệt ngã của bóng đá thị trường. Nhưng người hâm mộ luôn hy vọng năm 2014, Sân Vận động Cao Lãnh vẫn phủ đầy một màu vàng truyền thống của đội Đồng Tháp tại sân chơi đỉnh cao quốc gia.
Trường Thư