Trẻ hóa đội tuyển Việt Nam từ… CLB
Cập nhật ngày: 13/05/2014 05:10:00
Một trong những mục tiêu của HLV Toshiya Miura là trẻ hóa đội tuyển. Thế nhưng, đội tuyển muốn làm được điều đó thì bản thân từ CLB cũng phải trẻ hóa lực lượng, thay vì dựa vào cầu thủ nhập tịch và cầu thủ ngoại như hiện nay…
HLV Miura (phải) chỉ trẻ hóa được đội tuyển với điều kiện VFF
phải thay đổi cách quản lý nền bóng đá, ảnh: Kim Điền
Ngọn chỉ đẹp khi gốc vững
Mục tiêu của HLV Miura sau khi chính thức nhậm chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Việt Nam là trẻ hóa lực lượng. Đấy cũng là điều mà vị HLV người Nhật này được VFF nhắc trong kế hoạch 2 năm của ông trên cương vị lãnh đạo đội bóng số 1 Việt Nam.
Dù vậy, cái khó nằm ở chỗ tại giải vô địch quốc nội, lực lượng cầu thủ trẻ đá coi được chỉ lác đác. Ngay chính TGĐ VPF (công ty đang điều hành V-League) Phạm Ngọc Viễn cũng thẳng thắn thừa nhận chuyện khan hiếm tài năng trẻ ở giải VĐQG.
Chính vì thế, câu chuyện trẻ hóa đội tuyển quốc gia là câu chuyện phải bắt đầu từ giải quốc nội. Cái khó của bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ không chỉ có các đội nhắm đến thành tích cao như B.Bình Dương, Thanh Hóa bỏ quên chuyện sử dụng lực lượng cầu thủ nội tại, quá sa đà vào chuyện dùng ngoại binh và cầu thủ nhập tịch, mà ngay cả các đội bóng thuộc nhóm dưới, vốn chẳng có mục tiêu nào rõ ràng ngoài chuyện năm nào cũng chỉ tính chuyện trụ hạng như ĐT Long An hay HV.An Giang cũng toàn xài hàng vay mượn.
Không có nhiều lò đào tạo trẻ hoạt động tốt ở cấp CLB, nên thật khó có những lứa cầu thủ trẻ tốt được cho ra lò, đủ sức thi đấu ở V-League hàng năm. Nên bây giờ, đòi hỏi trẻ hóa đội tuyển trở thành nhiệm vụ cực khó với bất cứ chiến lược gia nào.
Câu chuyện bóng đá Việt Nam đang khan hiếm trung phong và trung vệ tốt là câu chuyện không mới, người làm chuyên môn đều biết rõ việc này, nhưng không thay đổi được thực tế.
Vì người làm chuyên môn ở từng CLB cũng cần thành tích để giữ vị trí của mình, trong khi người có quyền thực sự là các ông chủ lại ít quan tâm đến chuyện đầu tư lâu dài, chỉ chăm chăm tìm hào quang trước mắt.
Xây nhà từ nóc và tư duy nhiệm kỳ
HLV Alfred Riedl ngày mới đến Việt Nam trước AFF Cup 1998 đã có câu nói bất hủ: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”. Hơn 15 năm sau, câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị, và bóng đá Việt Nam vẫn chưa thay đổi nhiều về cách hoạt động, tức là những người làm bóng đá đỉnh cao hầu như chỉ chăm chăm vào thành tích trước mắt, mà bỏ qua khâu đào tạo trẻ.
Rồi ngay chính ông Riedl sau câu nói nổi tiếng ấy, cũng góp phần tích cực cho việc cổ súy phong trào xây nhà từ… nóc. Dưới triều đại của HLV người Áo, các đội tuyển bóng đá Việt Nam hầu như chỉ chỉ sử dụng lực lượng nổi tiếng sẵn, do người khác đưa lên tuyển, chứ bản thân ông Riedl cũng không giỏi trong việc phát hiện tài năng mới, không chịu khó thử nghiệm những người mới.
Sở dĩ ông Riedl biết làm vậy là thiếu chiều sâu, là làm hại cho sự phát triển của một nền bóng đá, nhưng ông vẫn làm vì cơ bản sức ép thành tích đối với vị HLV này quá lớn. Rồi ngay chính những người sử dụng ông thời đó là các quan chức bóng đá cũng khoái thành tích trước mắt hơn là chuyện xây dựng lực lượng kế thừa.
Điều này nói cho cùng xuất phát từ tư duy nhiệm kỳ của chính bộ máy điều hành nền bóng đá. Họ hầu như không quan tâm đến tính kế thừa, mà chỉ chú tâm gặt hái thành tích trong nhiệm kỳ của mình.
Thế nên, bây giờ để trẻ hóa đội tuyển, để thay đổi, thì chính những người đang điều hành bóng đá nội phải thay đổi, phải dành sự kiên nhẫn cho HLV Miura.
Và chính những người điều hành nền bóng đá cũng phải thay đổi cách điều hành giải quốc nội của mình. Không thể thả nổi tình trạng đào tạo trẻ như hiện nay, cũng không thể để cho các CLB thoải mái được gắn mác chuyên nghiệp dù bản thân từng CLB chưa đáp ứng đúng các tiêu chí của một CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa, nhất là về mặt lực lượng trẻ, lực lượng kế thừa.
VFF muốn đội tuyển mang bộ mặt khác thì đầu tiên họ cũng phải điều hành nền bóng đá theo cách khác!
Nguồn: Trọng Vũ-dantri.com.vn