Việt Nam chuẩn bị tham dự Olympic trẻ 2014

Ánh Viên là hy vọng lớn nhất

Cập nhật ngày: 06/08/2014 05:46:00

Một tuần nữa, Việt Nam sẽ dự Olympic trẻ lần 2-2014. Đánh giá về chuyên môn của VĐV trẻ cũng là để thể thao quốc tế nhìn tới sự phát triển của một quốc gia. Lần này, dù đặt mục tiêu rất cao về số lượng VĐV góp mặt nhưng chốt lại, thể thao Việt Nam vẫn chỉ có 13 người.


Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là niềm hy vọng của Việt Nam tại
Olympic trẻ 2014. Ảnh: Quang Thắng

Được suất nào, quý suất ấy

Mục tiêu của ngành thể thao là phấn đấu có 25 suất dự Olympic. Chốt lại danh sách cuối cùng thì chúng ta cũng chỉ có 13 người. Con số trên cũng bằng với số VĐV mà thể thao Việt Nam đã dự Olympic trẻ lần 1-2010 tại Singapore. Trong những môn thất bại không giành được vé dự Olympic trẻ lần 2-2014 có điền kinh, boxing, vật. Một số môn so với kỳ dự lần trước vẫn có VĐV tranh được vé chính thứ đi Nam Kinh (Trung Quốc, chủ nhà Olympic trẻ lần 2-2014) là Taekwondo, cử tạ, cầu lông, bơi.

Hoạch định chiến lược để giành suất dự Olympic trẻ là công việc của ngành thể thao. Đi sâu hơn về thẩm định chuyên môn, điều này thuộc về những người làm nghề. Tuy nhiên, ở cảm quan bên ngoài của người hâm mộ, việc những môn mà chúng ta vốn có thế mạnh ở khu vực là điền kinh và vật không giành được suất thì rõ ràng là thất bại.

Lần này tới Olympic trẻ lần 2-2014, đoàn Việt Nam có sự góp mặt của nhóm VĐV của TDDC, bơi hay cử tạ, taekwondo nhưng giành được huy chương tại Olympic trẻ sau 4 năm đã không dễ dàng như lần đầu.

Bơi và cử tạ có cửa sáng nhất?

Khép lại Olympic trẻ lần 1-2010, thế thao Việt Nam có 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Tấm HCV năm đó là của Thạch Kim Tuấn (56kg nam) môn cử tạ. Năm nay, thế chỗ đàn anh Kim Tuấn là Nguyễn Trần Anh Tuấn. Nhưng nếu đặt câu hỏi với trưởng bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) - ông Đỗ Đình Kháng là Anh Tuấn chắc chắn giành được HCV không thì chưa thể có lời giải đáp tức thời.

Hiện Anh Tuấn đang ở Hungary tập huấn dài hạn và bản thân tuyển thủ này chỉ xác định là… phấn đấu giành thành tích cao nhất. Thông số chuyên môn mới nhất của Anh Tuấn là 253kg (tổng cử) đạt tại giải cử tạ Hungary mở rộng hồi đầu tháng 7. Điều ấy đồng nghĩa, Anh Tuấn ngoài tập huấn nước ngoài cũng được cọ xát. Chỉ có một e ngại nhỏ, Nguyễn Trần Anh Tuấn vốn từ lâu quen theo sự huấn luyện của các HLV ở đơn vị TPHCM nhưng dự Olympic trẻ tại Nam Kinh thì chỉ đạo cử tạ là HLV Nguyễn Mạnh Thắng của Hà Nội.

Mọi cơ hội của thể thao Việt Nam đặt trọn cả vào bơi. Kình ngư nữ số 1 Đông Nam Á và số 1 Việt Nam là Nguyễn Thị Ánh Viên góp mặt ở Olympic trẻ lần 2-2014. Cô gái vàng của bơi Việt Nam được đặt mục tiêu ít nhất phải giành được 1 HCV. Xét khả năng chuyên môn, Ánh Viên làm được điều này nhưng một số nhà quản lý Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam vẫn thận trọng vì Olympic trẻ là nơi góp mặt của tất cả các kình ngư trẻ xuất sắc thế giới.

Bơi là môn đóng góp nhiều VĐV nhất trong danh sách đoàn Việt Nam dự Olympic trẻ lần này (4 kình ngư). Đây là tín hiệu bất ngờ. Bởi vì, đạt chuẩn ở môn bơi để nhận suất dự Đại hội là không dễ nhưng chúng ta đã có Ánh Viên, Duy Khôi, Mỹ Thảo, Thế Vỹ đại diện ở Nam Kinh (Trung Quốc) kỳ này.

Thực tế chuyên môn, tranh HCV là không dễ. Cách đây 4 năm, Hoàng Quý Phước đã tranh tài nhưng không lọt vào chung kết nội dung. Sau sự thăng tiến đáng kể các năm vừa qua, Viên rõ ràng có triển vọng nhất. Phần còn lại, taekwondo năm nay chỉ có 1 suất dự giải nên cơ hội lọt sâu, giành huy chương nội dung không được đánh giá cao.

Việt Nam có 13 VĐV đạt chuẩn tham dự ở 7 môn: cử tạ, bơi, TDDC, taekwondo, cầu lông, đua thuyền rowing, bóng chuyền bãi biển. Đoàn sẽ đi dự giải từ 13 tới 29-8. Ngoài ra, có 3 VĐV, 2 HLV của wushu Việt Nam (môn này không nằm trong hệ thống thi đấu của Đại hội) được BTC mời sang tham gia biểu diễn trong các hoạt động bên lề. 5 thành viên của wushu Việt Nam được mời theo chế độ riêng, không tính vào danh sách đoàn Việt Nam dự Đại hội.

Nguồn: Nguyễn Đình-SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn