Phía sau những vinh quang của môn thể thao tốc độ

Cập nhật ngày: 15/06/2017 15:30:17

ĐTO - Xe đạp không phải môn thể thao kén người chơi, nhưng theo đuổi bộ môn thể thao tốc độ này mỗi người cần có đủ đam mê và cả sự hy sinh.


Các nữ vận động viên xe đạp Đồng Tháp chẳng ngại ngần với giáo án tập luyện rất nặng mỗi ngày

Dù chuẩn bị thi đấu giải hay những ngày bình thường, các cua-rơ xe đạp Đồng Tháp đều phải lao vào tập luyện để duy trì phong độ và nâng cao trình độ chuyên môn. Quãng đường tập luyện được Ban huấn luyện đề ra là hơn 70km. Còn nếu sắp đến ngày thi đấu, mỗi vận động viên (VĐV) phải chạy từ 100 - 120km mỗi ngày. Chính vì thế, cường độ và tần suất hoạt động của các cua-rơ đòi hỏi phải được duy trì ở mức cao. Xuất phát song hành cùng với các nam cua-rơ trong đội, các VĐV nữ cũng phải hoàn thành giáo án đã được đề ra giống như những đồng nghiệp nam.

“Đam mê” chính là câu trả lời của rất nhiều cua-rơ khi được hỏi vì sao lại chọn bộ môn xe đạp. Bởi chỉ có đam mê thì họ mới có thể vượt qua được hết những vất vả và sự khắc nghiệt.

“Vì đam mê nên em mới theo đuổi môn này. Mỗi khi đạt được thành tích, em rất vui vì nó mang lại vinh quang cho bản thân cũng như toàn đội. Năm mới thi đấu, em bị gãy xương, tính chuyện không theo đuổi môn này nữa, nhưng được các chị khác giúp đỡ nên em cố gắng chạy cho tới giờ. Năm nay là năm thứ 7 em theo nghiệp này rồi” - tay đua Đặng Thị Ngọc Huyền tâm sự.

Huấn luyện viên đội tuyển xe đạp Đồng Tháp Trần Văn Quít cho biết, hầu hết các VĐV xe đạp đều phải có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn này. Đặc biệt, cường độ tập luyện của các cua-rơ khá nặng nên không phải ai cũng gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, còn phải kể đến quá trình hun đúc, động viên từ gia đình, bạn bè, thầy cô và đồng nghiệp. Xe đạp là môn thể thao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các VĐV, đôi khi còn là sự gan dạ, dám đối mặt với nguy hiểm dọc đường. Không ít trường hợp các cua-rơ gặp tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu. Vì vậy, điều kiện tiên quyết của các VĐV xe đạp là phải dám hy sinh, phải vượt qua những khó khăn, trở ngại để thực hiện ước mơ của mình.

Theo chia sẻ của các cua-rơ, hằng ngày phải đội nắng, dầm mưa “nuốt trôi” những giáo án của Ban huấn luyện nên làn da ai cũng đen sạm.

Đối với cua-rơ nam, làn da cháy nắng không là vấn đề nhưng với các nữ VĐV xe đạp đó là sự mất mát về mặt tinh thần. Tuy nhiên, vì tình yêu với môn thể thao tốc độ này mà các nữ cua-rơ chấp nhận để vượt qua theo những vòng quay của bánh xe. Xe đạp cũng là môn thi đấu dễ gây ra va chạm trên đường đua, chỉ cần chút ít sơ sót, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, với VĐV xe đạp, vài vết sẹo trên cơ thể là chuyện bình thường. Họ chấp nhận dấn thân với niềm đam mê của chính mình.

Tay đua Nguyễn Tấn Hoài cho biết: “Theo tôi, khi 1 VĐV nữ mà chọn môn xe đạp với sự khắc nghiệt của “nắng, gió, bụi đường” đó là cả sự hy sinh lớn lao. Bởi, khi đã chọn theo đuổi môn xe đạp là các bạn phải đánh đổi cả nhan sắc của mình. Do vậy, bản thân tôi lúc nào cũng khâm phục tinh thần cũng như sự mạnh mẽ của nữ cua-rơ xe đạp, nhất là các thành viên ở đội xe đạp Đồng Tháp”.

Những vinh quang trên đường đua đó là thành quả của sự vất vả, nhọc nhằn và đôi khi là cả những giọt nước mắt. Chính vì thế, đối với các cua-rơ nữ, những cảm thông, chia sẻ của mọi người chính là sức mạnh tiếp thêm động lực cho họ trong những chặng đường dài tiếp theo để có thể thỏa niềm đam mê với xe đạp.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn