Đồng Tháp xếp thứ năm toàn quốc về Chỉ số cải cách hành chính

Cập nhật ngày: 24/06/2021 17:22:36

ĐTO - Ngày 24/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 (SIPAS). Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cùng lãnh đạo các sở, ngành.

  
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Theo bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2020 của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu và đứng cuối bảng là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước với Chỉ số CCHC đạt 91,04%, xếp thứ 2 là Hải Phòng đạt 90,51, thứ 3 là Thừa Thiên Huế đạt 88,47% và thứ 4 là Bình Dương đạt 86,93%. Đồng Tháp xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt được là 86,77 điểm (tăng 2,34 điểm so với năm 2019 đạt 84,43 điểm), đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020, 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang. Đồng Tháp đạt 89,06 điểm (tăng 1,44 điểm so với năm 2019), xếp thứ 12 cả nước (tăng 3 hạng so với năm 2019). Năm 2020 là năm thứ 4 Chỉ số SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc và kết quả Chỉ số SIPAS 2020 tiếp tục mang đến bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương sự nỗ lực thực hiện CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố và đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại đơn vị; quan tâm bố trí đủ nguồn nhân lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành. Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thực chất…đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp để tạo sự chuyển biến làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn