Đưa dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào sử dụng

Cập nhật ngày: 24/01/2023 05:44:18

Dịp này, phóng viên có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Nội vụ) về những công việc, định hướng chuyển đổi số ngành nội vụ thời gian tới.

“Công thức” chuyển đổi số ngành nội vụ

* PV: Ông cho biết, tới nay Bộ Nội vụ đã thực hiện những công việc gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành?


Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ

- Ông Nguyễn Thanh Bình: Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ, ngành nội vụ và để thành công thì 80% là do nhận thức, thể chế, chính sách và 20% là do công nghệ, do đó thời gian qua, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều văn bản về chuyển đổi số.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các trang/cổng thông tin điện tử của bộ; tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm về vai trò của chuyển đổi số đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với việc chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tập trung triển khai đồng bộ trên 3 nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số: hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản đã ban hành; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng các nền tảng số, cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành. Bộ Nội vụ đang duy trì 21 hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành.

Trong đó, có một số hệ thống được xem là trọng điểm như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống quản lý việc thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng giao; hệ thống phản ánh kiến nghị cử tri; hệ thống e-mail công vụ; cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ; cơ sở dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; cơ sở dữ liệu hồ sơ khen thưởng; ….

* Bộ Nội vụ xác định trọng tâm vào công việc gì để cải cách thủ tục hành chính nền công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp?

- Chúng tôi xem nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Quan trọng là triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 76 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nội vụ.

Chúng tôi chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao văn hóa công vụ để phát huy được trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục tập trung cao cho cải cách thủ tục hành chính, nhất là xây dựng và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để đảm bảo đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cải cách nền hành chính.

Công việc có rất nhiều, nhưng Bộ Nội vụ sẽ trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ Nội vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, xử lý công việc nội bộ nhằm đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện và kết nối liên thông hệ thống thông tin báo cáo của bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các đơn vị thuộc bộ, giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương; thực hiện số hóa, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử; tiếp tục đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, định danh số và xử lý văn bản trong môi trường điện tử; cắt giảm giấy tờ, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp; xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Nội vụ (LGSP) kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP)…

Đặc biệt, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước (Đề án 893). Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi xác định thông điệp xuyên suốt theo công thức 6+ (Công nghệ thông tin + Số hóa + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số + An toàn thông tin).

Cần tư duy và hành động mới để thành công

* Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn, chỉ đạo như thế nào đối với các cơ quan hành chính các cấp để đồng bộ trong thực hiện chuyển đổi số?

- Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã và đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương có giải pháp cụ thể, đồng bộ, đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao.


Thủ tướng và các trưởng ngành bấm nút vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Đến năm 2023 sẽ đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác, sử dụng.

Bộ Nội vụ sẽ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thống nhất cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước; sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm....

* Để thực hiện chuyển đổi số trong ngành Nội vụ nói riêng, đâu là nhân tố quyết định thành công?

- Như tôi đã nói ở trên, chuyển đổi số thành công 80% là do nhận thức, thể chế, chính sách và 20% là do công nghệ. Chuyển đổi số cần cách tư duy mới và hành động mới, nhất là người đứng đầu, công nghệ chỉ giúp chúng ta thực hiện việc thay đổi đó.

Chuyển đổi số là một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng, vì nó thay đổi phương thức vận hành của một ngành, một tổ chức. Chuyển đổi số trong ngành nội vụ tức là cán bộ, công chức, viên chức ngành nội vụ từ Trung ương tới địa phương sẽ làm việc chung trên một nền tảng số trong tương lai. Việc chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của lãnh đạo, nhất là nhận thức của người đứng đầu.

Lãnh đạo, người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị, thay đổi phương thức, thói quen làm việc. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ĐỖ TRUNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn