Đồng Tháp
Kết quả thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử và cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính
Cập nhật ngày: 15/09/2020 05:52:21
ĐTO - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt những kết quả khả quan. Chủ trương đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC có sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; việc chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC được cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sát. Từ đó, tập thể cán bộ, công chức, viên chức ra sức sáng tạo, đề xuất nhiều mô hình, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí, thời gian đi lại giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân.
Hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời theo các nhiệm vụ kế hoạch đề ra; công tác kiểm soát TTHC tại các sở, ban, ngành tỉnh đi vào nền nếp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị luôn xác định cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính. Công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị được thực hiện đúng quy định của TTHC đã được công bố, công khai.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và thực hiện TTHC theo mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà theo yêu cầu của người dân đã từng bước nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Tổng đài thông tin dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp 1022 trở thành kênh tiếp nhận và xử lý nhanh các phản ánh kiến nghị, thông tin dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao được tổ chức cá nhân tin tưởng khai thác và sử dụng.
Cụ thể trong triển khai chính quyền điện tử, từ giữa năm 2019, Đồng Tháp đã triển khai nền tảng dữ liệu dùng chung và một số cơ sở dữ liệu (CSDL) dữ liệu dùng chung, bao gồm: Trục liên thông dữ liệu tỉnh, CSDL dân cư, CSDL doanh nghiệp, CSDL bảng mã dùng chung, TTHC, đơn vị hành chính. Trong năm 2020, tỉnh đã tích hợp xác thực, đăng nhập một lần Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh và CSDL tài khoản dùng chung người dùng của tỉnh qua Trục liên thông dữ liệu tỉnh, xác thực tài khoản công dân/doanh nghiệp điện tử và CSDL dân cư, doanh nghiệp qua Trục liên thông dữ liệu tỉnh. Đồng thời hoàn thành kết nối, tích hợp với một số CSDL quốc gia: CSDL Văn bản quy phạm pháp luật, CSDL đăng ký kinh doanh...
Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh đã cung cấp trên 5.500 tài khoản, đảm bảo 100% cán bộ, công chức đều có hộp thư công vụ để trao đổi công việc. Đồng thời dùng làm tài khoản đăng nhập để sử dụng các dịch vụ, phần mềm dùng chung của tỉnh. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho gần 200 đơn vị, đảm bảo 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và một số cơ quan Mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tác nghiệp, xử lý văn bản qua môi trường mạng; 100% văn bản đi, đến giữa các cơ quan nhà nước trực thuộc tỉnh đều được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử.
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; cung cấp 854 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (đạt gần 47%) trong đó 18 dịch vụ công trực tuyến cung cấp tại các Cổng của các bộ, ngành Trung ương và 836 dịch vụ công được cung cấp tại Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp. Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp cung cấp 75 dịch vụ công trực tuyến mức 4 (chiếm 4,1%, dự kiến đến cuối năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công mức độ 4 tương đương 546 dịch vụ công).
Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh được phát huy tối đa hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức hội nghị. Bình quân mỗi tháng phục vụ khoảng 20 cuộc hội nghị trực tuyến cho tất cả các cơ quan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt có những hội nghị lên đến 150 điểm cầu (cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) với khoảng 10.000 đại biểu tham dự.
Trong công tác rà soát, đánh giá TTHC, tỉnh tổ chức thực hiện nhằm đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, góp phần cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia thực hiện TTHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về rà soát, đánh giá TTHC trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để tập trung rà soát các thủ tục có tỷ lệ phát sinh hồ sơ nhiều, lựa chọn một số ngành, địa phương, lĩnh vực giao thực hiện rà soát trọng tâm, các đơn vị, địa phương còn lại tự rà soát theo chỉ tiêu tỉnh giao (khoảng 20%/tổng số TTHC).
Ngoài ra, bộ phận kiểm soát TTHC của tỉnh còn rà soát độc lập các thủ tục để đối chiếu kết quả, lựa chọn phương án tối ưu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Kết quả rà soát, đánh giá TTHC hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, xây dựng phương án đơn giản hóa các TTHC đã rà soát để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo quy định.
Về tình hình, kết quả giải quyết TTHC, qua công tác kiểm tra thực tế tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh, việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC tại các sở, ban, ngành tỉnh (thông qua Trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công), UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định. Quy trình tiếp nhận hồ sơ đều được lập sổ theo dõi hoặc lập giấy biên nhận hồ sơ hẹn ngày trả kết quả, đảm bảo công tác theo dõi giải quyết TTHC được chặt chẽ từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC của địa phương...
Trong thời gian tới, tỉnh xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để đảm bảo đến năm 2025 có ít nhất 80% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tổ chức các lớp phổ cập, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân; nâng cấp hệ thống Trục liên thông dữ liệu của tỉnh để đáp ứng yêu cầu liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan Trung ương và các dịch vụ thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích và triển khai, đưa vào sử dụng hệ thống thông tin báo cáo (đang thử nghiệm tại Sở Thông tin và Truyền thông).
Đồng thời nhân rộng ứng dụng phòng họp không giấy nhằm từng bước giảm sử dụng tài liệu giấy trong các cuộc họp; cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam cho 100% máy tính của các cơ quan nhà nước; triển khai 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng...
Nhật Anh