Tạo ra sự hài lòng
Cập nhật ngày: 05/08/2019 10:05:05
ĐTO - Có thể nói rằng, Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là đề án) đã tạo được sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bởi, đề án theo một mô hình làm việc mới và có được sự thành công ở giai đoạn 1, 2 và tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 kể từ ngày 1/8.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, triển khai Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công ở giai đoạn 1, 2
Giai đoạn 1, 2, đề án thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và Phục vụ hành chính công của tỉnh, 6 huyện, thị xã và 27 xã, phường của 11 huyện, thị xã, thành phố. Nhìn lại 1 năm qua, chúng ta tự hào về những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện đề án. Qua thời gian tỉnh ta thực hiện đề án đã có hơn 30 Đoàn công tác của các tỉnh đến giao lưu và học tập kinh nghiệm. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương”. Điều này một lần nữa khẳng định kết quả thực hiện đề án của tỉnh Đồng Tháp đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cả nước.
Xác định việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nên lãnh UBND tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc thực hiện đề án đạt hiệu quả. Điều đó đã mang lại “quả ngọt” là năm 2018, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 11 bậc so với năm 2017. Kết quả này đã minh chứng cho sự quyết tâm, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; quyết liệt trong khâu điều hành, chấn chỉnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện kỷ cương công vụ từ tỉnh đến cơ sở trong tiến trình tiếp nhận, giải quyết các TTHC.
Tiếp nối thành công, ở giai đoạn 3 này giải quyết đối với các TTHC thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, tư pháp, xây dựng, đăng ký kinh doanh... Ngoài ra, Bộ phận Một cửa xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh), Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận và trả kết quả thực hiện các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, các TTHC theo Mô hình hẹn giờ thực hiện các TTHC tại nhà người dân. Rõ ràng, sự đổi mới này đã tạo ra sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Để sự hài lòng ấy tiếp tục giữ vững thì phải xem người dân, tổ chức, doanh nghiệp là “thượng đế” để quan tâm, chăm sóc và phục vụ chu đáo hơn.
Có thể khẳng định một điều, việc thí điểm đề án nhằm giúp cho các cơ quan hành chính tinh giản biên chế và khai thác hiệu quả dịch vụ bưu chính công ích. Đề án còn góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, mang lại lợi ích, tạo thuận lợi và hơn lúc nào hết là tạo ra sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
DƯƠNG ÚT