Bàn về vấn đề tôn giáo hiện nay
Cập nhật ngày: 25/02/2013 05:26:21
Lịch sử hình thành và phát triển của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Nhất là vào thời kỳ nước ta bị thực dân, đế quốc xâm lược, chính quyền thực dân, đế quốc đã lợi dụng các tổ chức tôn giáo vào mục đích chính trị.
Có tổ chức tôn giáo bị thực dân, đế quốc lợi dụng trở thành lực lượng tiếp tay cho âm mưu xâm lược. Nhiều tôn giáo đã phải thành lập lực lượng vũ trang để bảo vệ chỗ đứng của mình trong xã hội, dẫn đến các tôn giáo chống đối lẫn nhau, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và đạo lý của nhà tu hành, làm cho dân tộc ta lâm vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Hậu quả đó còn kéo dài dai dẳng đến ngày nay.
Ngay sau khi dân tộc ta giành được độc lập năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước xây dựng Hiến pháp của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nêu rõ: Quyền tự do tín ngưỡng là một trong 6 quyền cơ bản của công dân (tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và đi ra nước ngoài).
Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định đầy đủ, rõ ràng hơn: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26).
Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định và bổ sung: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước” (Điều 60).
Đặc biệt, Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành đã được các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục kế thừa những nội dung cơ bản.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định nguyên tắc của chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.
Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật để bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra bình thường, hướng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân.
Cả nước hiện có hơn 23 triệu tín đồ của 31 tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân hoạt động, chiếm khoảng 25% dân số. Trong đó, Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) có khoảng 1,3 triệu tín đồ và khoảng 1.500 chức việc.
Trước năm 1975, thực dân và đế quốc đã lợi dụng một số chức việc không chân chính trong PGHH lôi kéo nhiều tín đồ cầm súng chống lại cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc ta. Sau ngày thống nhất đất nước, với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, sau thời gian dài củng cố, xây dựng, những nhà tu hành chân chính đã khôi phục lại hoạt động của PGHH với nhiều thành quả tốt đẹp.
Với đường hướng hành đạo là: “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, đồng bào theo PGHH đã được tự do tu hành, đoàn kết giúp nhau làm ăn, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, tôn trọng chính quyền địa phương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, sống tốt đời, đẹp đạo. Nhiều chức việc, tín đồ PGHH trở thành tấm gương sáng trong cuộc sống, công tác, sản xuất kinh doanh và trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành nhân tố đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tuy nhiên, hiện nay lại có một số kẻ trơ tráo xuyên tạc đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta. Trước đây, họ đã từng làm tay sai cho giặc ngoại xâm, có kẻ làm đến Tỉnh trưởng của Ngụy quyền Sài Gòn, sống sa đọa, hưởng lạc trên xương máu đồng bào bằng những đồng tiền tham nhũng đến mức bị kỷ luật, mất chức vì tội hối lộ. Nay lại tự xưng là Hội trưởng PGHH, dụ dỗ một số người nhẹ dạ cả tin, mù quáng, mượn danh nghĩa tu hành lôi kéo họ tham gia vào việc truyền đạo trái pháp luật, tán phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước ta, tập trung đông người rồi dùng luận điệu rằng Nhà nước đàn áp tôn giáo để kích động một số người gây rối trật tự công cộng.
Mục đích của họ là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hùa theo luận điệu “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” của phương Tây để mong kiếm được ít tiền tài trợ của nước ngoài. Đó thật sự là hành động phá đạo, hại đời, để mong trục lợi, đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của PGHH.
Những giáo dân chân chính của PGHH cần kiên quyết chống lại những hành vi nguy hiểm đó để bảo vệ sự trong sạch của PGHH. Một số người vì mù quáng, ngoan cố đã bị lợi dụng và lôi kéo vào những hoạt động bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng hoặc chống lại chính quyền đã phải trả giá cho những ảo vọng chính trị đó bằng những ngày tháng trong tù.
Để giành được độc lập, tự do như ngày nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều hy sinh mất mát. Ngày nay, hơn 25 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đất nước, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành thành viên (không thường trực) Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2007 - 2009, sánh vai các cường quốc năm châu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên nhiều lần, trong đó có sự đóng góp quan trọng và to lớn của các tôn giáo.
Những người lợi dụng PGHH với cái họ gọi là “Lời tâm huyết”, Thư ngỏ của PGHH Thuần túy” chỉ là trò lừa bịp rẻ tiền, rất dễ làm. Đó chỉ là những suy nghĩ hoang tưởng, không ai tin.
Mong rằng, những ai đang có lòng thành mong muốn PGHH phát triển lành mạnh hãy cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của những kẻ lợi dụng PGHH và kiên quyết nói “không” trước sự lôi kéo vào những hành động gây rối trật tự công cộng bằng những hoạt động mà họ gọi là “sinh hoạt tôn giáo thuần túy”.
Thanh Lâm