Các ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Cập nhật ngày: 11/03/2013 04:44:39
Thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo), các sở, ban, ngành tỉnh và các doanh nghiệp Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo.
Tổng cộng đã có trên 8.000 ý kiến của các đại biểu đóng góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị và bằng văn bản về Dự thảo. Trong đó, đa số ý kiến tán thành các quy định của Dự thảo vì đã xác đáng, phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đóng góp đối với một số điều trong Dự thảo. Trong đó, có ý kiến đề nghị nên sửa cụm từ tại Điều 57: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và... là tài sản công thuộc “sở hữu toàn dân” thành cụm từ: “... là sở hữu của Nhà nước”. Lý do là để có một chủ thể sở hữu cụ thể, tránh tình trạng ai cũng có quyền và ai cũng không có quyền.
Điều 58, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm về nguyên tắc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất. Trong đó, nguyên tắc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với người bị thu hồi đất phải theo giá thị trường như quy định tại khoản 3, Điều 56 Dự thảo. Đối với Khoản 3 Điều 58 đề nghị bổ sung một khoản: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo thỏa thuận giá thị trường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị tại khoản 3 thay cụm từ “lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” bằng cụm từ “lợi ích cộng đồng xã hội”. Vì phát triển kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến phát triển xã hội, nhưng trong đầu tư cần phải phân định tách bạch giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội. Nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhập nhằng làm mất ranh giới giữa kinh doanh và phục vụ lợi ích xã hội.
Điều 84 có ý kiến đề nghị đại biểu Quốc hội nên là đại biểu chuyên trách vì nếu kiêm nhiệm mà đại diện cho ý chí nhân dân là rất khó. Đối với Điều 120, có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng hiến pháp “rộng” hơn, cụ thể là Hội đồng hiến pháp phải có quyền hủy bỏ ngay các văn bản vi hiến chứ không phải kiến nghị hay yêu cầu xem xét lại. Nên bổ sung Hội đồng hiến pháp phải có quyền tài phán độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, có quyền đưa ra các quyết định về tính hợp hiến hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật, phải quy định rõ ràng các chế tài của Hội đồng Hiến pháp và phải xem Hội đồng hiến pháp là chỗ dựa cao nhất của nhân dân khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến không tán thành quan điểm trên, mà đề nghị nghiên cứu phương án thành lập Tòa án Hiến pháp để phù hợp với xu thế của thế giới và để Tòa án Hiến pháp có đủ quyền lực tư pháp đặc biệt để xử lý những hành vi vi hiến. Nếu như Dự thảo, “Hội đồng Hiến pháp” là cơ quan do Quốc hội thành lập chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu, không thực hiện chức năng xét xử khi có hành vi vi hiến, e rằng chưa đủ tầm điều chỉnh các cơ quan khác do Quốc hội bầu người đứng đầu.
Về bố cục của Hiến pháp, đa số ý kiến thống nhất với bố cục của Dự thảo Hiến pháp, vì cho rằng sửa đổi như vậy là chặt chẽ, hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế. Về kỹ thuật trình bày, từ ngữ, nhìn chung tổng thể Dự thảo với hệ thống các quy định, các khái niệm và các từ ngữ diễn đạt được sử dụng để hiến định đã thể hiện tính chuẩn mực theo yêu cầu của khoa học pháp lý đối với Hiến pháp.
Tuy nhiên về mặt từ ngữ, đề nghị nghiên cứu cách dùng từ, sắp xếp từ ngữ cho thống nhất hơn. Ví dụ trong Dự thảo cụm từ “theo quy định của pháp luật” được sử dụng 7 lần, cụm từ “theo pháp luật” được sử dụng 8 lần, cụm từ “theo luật định” được sử dụng 21 lần, trong khi nội dung của 3 cụm từ này cơ bản giống nhau; hoặc trong Lời nói đầu sử dụng cụm từ “làm nghĩa vụ quốc tế”, nhưng tại Điều 70 lại sử dụng cụm từ “thực hiện nghĩa vụ quốc tế”...
T.T