Công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc

Cập nhật ngày: 08/04/2025 08:21:18

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc

Bộ Tư pháp công bố hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo. Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 54 Điều; dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.


Cán bộ, công chức huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân (Ảnh: Quang Thái)

Dự thảo Luật quy định việc xếp loại công chức theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ.

Về việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Nội vụ đề xuất, công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức đưa vào diện theo dõi.

Nếu sau 6 tháng vẫn không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm thì cơ quan quản lý công chức bố trí vào vị trí việc làm ở thứ bậc thấp hơn. Trường hợp không có vị trí việc làm ở thứ bậc thấp hơn thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.

"Công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc", dự thảo Luật nêu rõ.

Theo cơ quan soạn thảo, kết quả xếp loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.

Cũng tại dự thảo Luật, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung 4 nội dung đánh giá công chức.

Một là chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc.

Ha là thái độ phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Ba là năng lực, trách nhiệm và khả năng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Bốn là kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ theo vị trí việc làm.

Ngoài 4 nội dung nêu trên, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo: kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý theo kế hoạch làm việc; năng lực tập hợp, đoàn kết; tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng nêu rõ những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ.

Cụ thể, trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ và các đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Anh Văn (VTC News)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn