Cuộc cách mạng mang thông điệp của dân tộc và thời đại

Cập nhật ngày: 19/08/2012 08:14:48

Cách mạnh tháng Tám 1945 là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân dân Việt Nam

Cuộc cách mạng đã làm nên sự khác biệt căn bản về chất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc.

Khẳng định những giá trị dân tộc và dân chủ

Trước khi khẳng định một sự thật thiêng liêng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập” (1), bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy “những lẽ phải không ai chối cãi được” của hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng Pháp (1789) để khẳng định những quyền chân chính của dân tộc Việt Nam. Không dừng lại ở nội dung của hai văn kiện lịch sử đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh “suy rộng ra” về quyền dân tộc: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (2).


Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc bộ phủ (tháng 8/1945).

Với Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập - chấm dứt ách nô lệ thực dân và Tự do - chấm dứt chế độ phong kiến. Với nhân loại, bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam là tiếng chuông báo sự khởi đầu tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ gắn liền với xâm lược và nô dịch.

Đó là sự xác lập lần đầu tiên ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế nhà nước sau cuộc cách mạng - thể chế Dân chủ cộng hòa.

Cuộc cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng khẳng định quyền con người. Trích “những lẽ phải không ai chối cãi được” trong hai bản Tuyên ngôn bất hủ của cách mạng Hoa kỳ và cách mạng Pháp, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 đã khẳng định quyền của con người - cũng chính là nền tảng quyền của dân tộc.

Nhân dân Việt Nam đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đi đầu trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nhược tiểu thuộc địa, bị áp bức. Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam thắng lợi cũng mở ra một tiền đồ, một tương lai tươi sáng, gây niềm tin và hy vọng, động viên tiếp sức cho các dân tộc còn đang bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập cho mình.

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra một cuộc trung hưng mới cho dân tộc Việt Nam. Thành tựu và những thử thách suốt chặng đuờng sáu mươi bảy năm qua đã minh chứng những giá trị của một cuộc cách mạng Dân tộc và Dân chủ.

Thông điệp hòa bình và ý chí độc lập của dân tộc

Đánh giá về một ưu điểm lớn của Cách mạng tháng Tám so với cách mạng ở một số nước khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước đến hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi thực dân tham ác ngoài bờ cõi” (3).

Từ đầu tháng 7/1946, khi các cuộc hội đàm chính thức Việt - Pháp đang diễn ra trong lâu đài Fontainebleau, tại Pari cũng diễn ra những hoạt động không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bạn bè thế giới, trước hết là Chính phủ và các tầng lớp nhân dân Pháp, hiểu rõ thiện chí hòa bình và nguyện vọng nóng bỏng của nhân dân Việt Nam là Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Trong thời gian hơn ba tháng, với tư cách là thượng khách của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các đại biểu của Chính phủ Pháp, nhiều tổ chức đoàn thể và cả các cá nhân. Trong tất cả những cuộc tiếp xúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nêu rõ nguyện vọng chân thật của nhân dân Việt Nam là mong muốn giữ mối quan hệ Việt - Pháp “không có tiếng súng”. Khi đến thăm khu di tích lịch sử ở Nooc-man-đi, Người đã lấy bàn tay bịt miệng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: “Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!”. Đó chính là thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam gửi tới nhân dân Pháp và những người cầm quyền Pháp khi đó (4).

Hợp lòng dân và được nhân dân bảo vệ

Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam đã bùng nổ và thành công đúng thời cơ lịch sử. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nằm ngoài mọi dự tính và dàn xếp của các nước lớn sau Hội nghị Pôts-đam, cũng nằm ngoài mọi tính toán của những kẻ theo chủ nghĩa thực dân Pháp.

Chính quyền cách mạng ra đời “không đồng minh, không tiền, hầu như không vũ khí” - như nhận xét của Pig-non - cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp Đác Giăng-li-ơ tại Đông Dương. Ngay từ khi mới ra đời, nạn đói, nạn dốt, nạn tài chính kiệt quệ cùng với nạn ngoại xâm đã đặt vận mệnh của độc lập dân tộc trước nguy cơ “Còn - Mất”.

Nhiệm vụ cách mạng sau khi giành được chính quyền đặt ra đòi hỏi nóng bỏng phải tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân làm hậu thuẫn vững chắc cho Chính quyền cách mạng. Bảo vệ được Chính quyền cách mạng mới có thể thực hiện được những mục tiêu cấp bách cũng như lâu dài: Giữ vững nền độc lập, đem lại đời sống no ấm cho nhân dân.

Bộ máy chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: bãi bỏ thuế thân (ngày 7/9/1945); bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền (ngày 8/9/1945); qui định thể lệ Tổng tuyển cử (ngày 17/10/1945); giảm tô 25% (ngày 20/11/1945); giảm 20% thuế điền (ngày 20/11/1945) v.v...

Sau cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành Chính phủ hợp hiến, do dân bầu, bao gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam. Chính phủ cách mạng thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, được toàn dân bảo vệ vì nó hợp với lòng dân. Ông Ca-put (Bí thư Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ) trong thư gửi Cao ủy Đác Giăng-li-ơ ngày 8/12/1945 đã thừa nhận rằng: Chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh là có đủ tư cách đại diện cho dân tộc Việt Nam, “họ vẫn là những người có khả năng hơn cả để lôi cuốn được mọi người” (5).

Buổi tối ngày 2/9/1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ kỷ niệm Quốc khánh lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức. Trong buổi lễ đặc biệt đó, Người xúc động nói: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình” (6).

Trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng, vận mệnh dân tộc trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết” - đã trở thành khẩu hiệu đoàn kết, tập hợp khối lực lượng quần chúng to lớn ủng hộ Chính phủ cách mạng. Khối đại đoàn kết toàn dân được xây dựng rộng rãi, không bỏ sót một nguồn lực nào đã phát huy sức mạnh to lớn. Kể cả những người không cộng sản, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, những người đã từng làm việc dưới chế độ cũ, những người thuộc giới quan lại, hoàng tộc phong kiến, cả những người tưởng như đã nằm dưới đáy của xã hội xưa v.v... tất cả đều hướng về cuộc đấu tranh của dân tộc và bằng cách này hay cách khác đóng góp cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng thành công Chính quyền cách mạng.

Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự cường để xây dựng và bảo vệ Chính quyền cách mạng từ những năm tháng hào hùng đó vẫn là những giá trị to lớn.

Theo Ngô Vương Anh
Tin tức

(1) Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 4, tr 4

(2) Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, tr 1

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập - Sđd, tập 4, tr 47 - 48.

(4) Ngọai giao Việt Nam 1945 - 2000 - Nxb CTQG, H, 2002, tr 80; 81

(5) Philippe Devillers - “Pari - Sài Gòn - Hà Nội - Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 - 1947” - NXB Thành phố Hồ Chí Minh - 1993 - tr 162.

(6) Diễn văn tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1946) tổ chức tại Pari - Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, Tập 4, tr 283



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn