HUYỆN CAO LÃNH

Điểm sáng trong thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”

Cập nhật ngày: 30/06/2022 06:01:28

ĐTO - Sau khi tiếp thu kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh về thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” (viết tắt là mô hình) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện Cao Lãnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện thí điểm mô hình đến Bí thư, Trưởng ấp, Ban Công tác Mặt trận, Ban Quản lý Tổ Nhân dân tự quản, Ban Chủ nhiệm Hội quán, hội viên, người dân tham dự trên địa bàn nói chung và các xã được chọn thí điểm mô hình nói riêng. Qua đó, nhiều hộ nông dân tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện thí điểm mô hình tại 4 xã gồm: Gáo Giồng, Tân Hội Trung, Mỹ Xương và Bình Thạnh. Để đánh giá việc thực hiện mô hình, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và xã khảo sát thực tế 20 hộ nông dân tham gia trên 3 lĩnh vực (cây lúa, xoài và cá) của các xã điểm, kết quả cho thấy mô hình bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận.


Người dân xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh nuôi cá diêu hồng theo hướng an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường thiên nhiên

Sau khi thực hiện mô hình, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sản xuất an toàn, qua đó, có hàng trăm nông dân ở các xã: Gáo Giồng, Tân Hội Trung, Mỹ Xương, Bình Thạnh đăng ký sản xuất lúa, sản xuất xoài, nuôi cá diêu hồng theo hướng an toàn, hạn chế thấp nhất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm, chất bảo quản, chất có trong danh mục bị cấm hoặc không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm định.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) cho biết, xã Gáo Giồng thực hiện mô hình trên cây lúa, từ nền tảng mô hình “Cánh đồng lý tưởng” với tổng diện tích 24ha. Nông dân tham gia mô hình áp dụng sản xuất lúa hữu cơ và có liên kết với công ty Cổ Phần Eco Nutrients Asia ở TP Hồ Chí Minh. Theo đó, công ty sẽ cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân gồm các sản phẩm phân bón hữu cơ và thuốc sinh học, nông dân sản xuất theo quy trình công ty đưa ra, không sử dụng thuốc trừ sâu,... Sau đó, công ty sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm của nông dân sản xuất và cam kết người nông dân sẽ lời 20 triệu đồng/ha/vụ sau khi trừ tất các chi phí sản xuất, sản phẩm nông dân làm ra đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, có thể xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ, trong khi các hộ sản xuất lúa hàng hóa bình thường chi lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ.

Còn theo Ủy ban MTTQVN xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh), Ủy ban MTTQVN xã phối hợp với UBND, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã và chi bộ ấp triển khai rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nội dung các nhóm tiêu chí trong lĩnh vực xã hội và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để nhiều người tích cực đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Qua triển khai, có tổng số 95 hộ đăng ký sản xuất lúa theo mô hình VietGap phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”. Sau khi thực hiện mô hình, sản phẩm của người dân trên địa bàn làm ra đảm bảo an toàn, sạch, hạn chế thấp nhất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm, chất bảo quản... Thông qua kết quả bình xét, xã Tân Hội Trung có 81 hộ đạt danh hiệu “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Cũng liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh, 4 xã thực hiện thí điểm mô hình còn phối hợp với ngành chuyên môn huyện Cao Lãnh tiếp tục tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người nông dân về bảo vệ môi trường trong sản xuất. Đến nay, toàn huyện Cao Lãnh có 340 hộ nông dân tham gia mô hình tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, không làm tác hại đến tài nguyên nước, đất, không khí; thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn trong quá trình sản xuất bảo đảm an toàn lao động, phòng ngừa, xử lý dịch hại trên cây trồng, vật nuôi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái từ việc thu gom vỏ, chai, bao bì, lọ thuốc bảo vệ thực vật để vào hố rác, tiêu hủy theo qui định. Đặc biệt, thông qua hoạt động Hội quán nông dân, các thành viên tham gia mô hình đều chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh và liên kết sản xuất đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về thực hiện mô hình, đảm bảo nâng cao thu nhập của người dân, làm thay đổi tuy duy sản xuất của nông dân trên mãnh đất của mình.

Đồng chí Nguyễn Văn Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Cao Lãnh cho biết, qua 1 năm triển khai thực hiện mô hình, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là những hộ dân tham gia thực hiện mô hình có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Các hộ nông dân đăng ký tham gia mô hình đều thực hiện tốt các tiêu chí của 2 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực xã hội và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: nhóm xã hội có 301/340 hộ (chiếm 88,52%) có tất cả thành viên gia đình trong độ tuổi đã tham gia vào một trong các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việc. Còn nhóm sản xuất, kinh doanh có 327/340 hộ (đạt 96,17%) tham gia mô hình tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn, những quy định đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn lao động; thực hiện tốt Luật Hợp tác xã và các nội quy, quy chế của Hội quán, Tổ liên kết; tích cực hỗ trợ cùng cộng đồng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng tham gia các chương trình liên kết trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn