Học tập và noi theo phẩm chất đạo đức cao đẹp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Cập nhật ngày: 07/12/2024 05:09:14
ĐTO - Hội thảo khoa học “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân” (viết tắt là Hội thảo khoa học) vừa được Tỉnh ủy Đồng Tháp phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vừa kết thúc. Qua Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đúc kết được những phẩm chất cao quý của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là những ảnh hưởng của Cụ Phó bảng đối với sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với vùng đất và con người tỉnh Đồng Tháp và tình cảm của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Đồng Tháp với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
>> Đoàn đại biểu dự Hội thảo khoa học viếng, dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
>> Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân
>> Tri ân cuộc đời vì nước, vì dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân”
Hội thảo khoa học diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp - Đất Sen hồng giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và giá trị văn hóa, đồng thời là nơi ghi đậm dấu ấn những hoạt động yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo, Hội thảo khoa học nhận được sự quan tâm tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong cả nước với 119 bài tham luận được in trong tài liệu Hội thảo và 37 lượt ý kiến tham luận, thảo luận được trình bày tại các phiên thảo luận, phiên toàn thể của Hội thảo khoa học.
Phẩm chất cao đẹp của nhà nho yêu nước, thương dân
Thông qua các nội dung tham luận và các thảo luận tại Hội thảo, từ nhiều góc độ tiếp cận, đã góp phần phát hiện, làm sáng tỏ, bổ sung nhiều tư liệu, đúc kết giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong đó, làm nổi bật 3 giá trị nội dung cốt lõi: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, thương dân”; “Những ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”; “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quê hương Đồng Tháp”.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương xứ Nghệ và gia đình, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sớm hình thành lòng yêu nước, thương dân như một lẽ tự nhiên. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là tấm gương tiêu biểu của một sĩ phu yêu nước, thương dân sâu sắc. Điều này được thể hiện rõ khi thi đỗ đại khoa làm vẻ vang, vinh dự lớn cho địa phương, nhưng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhất quyết từ chối dân làng tổ chức lễ đón rước vinh quy bái tổ và tự đi bộ về làng, bởi không muốn làm phiền hà đến người dân. Trong hoàn cảnh nước nhà đang chìm đắm trong vòng nô lệ, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhận thức rõ: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Là một sĩ phu, nhưng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc không để bị trói buộc bởi tư tưởng “trung quân ái quốc”, luôn nêu cao khí tiết, không cam chịu luồn cúi và làm tay sai cho chính quyền thực dân phong kiến áp bức người dân lương thiện. Sau ngày rời bỏ chốn quan trường, trong hành trình đến nhiều địa phương ở miền đất phương Nam của Tổ quốc, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tiếp tục tìm gặp, đàm luận với nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước. Trong những cuộc gặp gỡ đó, tình cảm yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có sức lan tỏa, truyền cảm mạnh mẽ, góp phần cổ vũ, động viên nhiệt tâm cứu nước, cứu dân của những người cùng chí hướng, đặc biệt là lớp thanh niên cháu con.
Một trong những dấu ấn sâu đậm của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với lịch sử dân tộc Việt Nam là đã góp phần rất to lớn hình thành nên nhân cách và chí hướng yêu nước, cách mạng của những người con, đặc biệt là người con thứ ba: Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Điều này được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học làm rõ hơn thông qua các tham luận với nhiều tư liệu cụ thể. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chính là người thầy dạy đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã tìm chọn những người thầy tài giỏi, có nhân cách cao đẹp để các con theo học. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là tấm gương cao đẹp của một người cha, người thầy, đã có những tác động sâu sắc đến các con. Sau ngày thi đỗ Phó bảng, trở về làng Sen, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vẫn giữ nếp sống thanh bạch, cần kiệm, gắn bó mật thiết với bà con xóm làng và luôn chú ý răn dạy các con: “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình)... Tất cả đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để hình thành nên tư tưởng cứu nước, cứu dân vĩ đại sau này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học
Đảng bộ, Nhân dân Đất Sen hồng noi theo gương Cụ Phó bảng
Trong hành trình đến miền đất phương Nam của Tổ quốc, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng đến nhiều nơi để gặp gỡ, đàm luận với các nhân sĩ, trí thức yêu nước về thế sự nước nhà. Năm 1927, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trở lại Cao Lãnh và sống tại đây đến cuối đời. Với hình ảnh một nhà nho có kiến thức uyên thâm, một người thầy thuốc tận tâm, có cuộc sống thanh bạch, giản dị và nhân cách hiền từ, gần gũi, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bà con làng Hòa An, Cao Lãnh rất cảm mến và quý trọng.
Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp dành cho Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc những tình cảm nồng thắm, sâu sắc. Sau ngày Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc qua đời, Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ an táng chu đáo cho Cụ Phó bảng. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã kiên quyết và khéo léo bảo vệ phần mộ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trước những mưu toan phá hoại của kẻ địch. Ngày nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc trở thành một điểm đến văn hóa, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nhấn mạnh: “Giá trị nhân cách và sự hy sinh, cống hiến của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là động lực để dân tộc Việt Nam nói chung, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng phấn đấu học tập, rèn luyện, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là gắn việc học tập nhân cách của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp”. Đây còn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Theo đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cuộc đời của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là tấm gương sáng về đức kiên trì, tinh thần hiếu học, lòng yêu nước, thương dân. Tưởng nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp và những tình cảm của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dành cho đất và người tỉnh Đồng Tháp, học tập, noi theo tấm gương yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhằm đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Từ một địa phương “khuất nẻo”, tỉnh Đồng Tháp đang chuyển mình tích cực, với một khát vọng Sen hồng vươn lên mạnh mẽ từ khó khăn, khẳng định giá trị, góp sức, cống hiến cho đất nước. Những giá trị tích cực đó là kết quả của quá trình kế thừa, tiếp thu những giá trị sâu sắc từ cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là tư tưởng vì nước, trọng dân, quý dân, tất cả vì Nhân dân phục vụ.
NHÓM PV CT-XH