Không thay đổi tên nước
Cập nhật ngày: 20/05/2013 18:32:10
Giữ nguyên tên nước, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thẩm quyền của Chủ tịch nước,… là những nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được báo cáo giải trình trước Quốc hội (QH) chiều nay (20.5) sau thời gian lấy ý kiến nhân dân.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Pháp luật QH, Ủy viên UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi tắt là UB soạn thảo), Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết các ý kiến góp ý của mọi tầng lớp nhân dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được UB soạn thảo tổng hợp và báo cáo giải trình để lấy ý kiến QH.
Giữ nguyên tên nước
Về chế độ chính trị, bên cạnh ý kiến tán thành vẫn giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn có ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (như tên gọi của nước ta sau khi giành độc lập năm 1945) .
Theo ý kiến của UB soạn thảo, cả hai tên nước trên đều thể hiện bản chất, chế độ chính trị của nước ta.
“Tuy nhiên, giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ đảm bảo tính ổn định, tránh những thế lực lợi dụng xuyên tạc, khẳng định hướng đi chính trị, đồng thời không tạo ra xáo trộn về quốc huy, văn bản hiện nay. Tên gọi này cũng đã sử dụng ổn định từ năm 1976 và quen thuộc với nhân dân ta và quốc tế”, ông Lý báo cáo giải trình trước QH.
Vì vậy, UB soạn thảo đề nghị vẫn giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứ không trình phương án đổi tên nước.
Ông Phan Trung Lý đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Ảnh: Ngọc Thắng
Đồng thời, UB soạn thảo cũng đề nghị QH giữ Điều 4, Chương 1 (Chế độ chính trị): Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Về kinh tế, tổng hợp nhiều ý kiến, UB soạn thảo, đề nghị lên QH ba phương án để quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Phương án 1 khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Phương án 2 là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Phương án 3 là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tuyên thệ khi nhậm chức
Trong Điều 70, chương Bảo vệ tổ quốc cũng có thay đổi khi khẳng định: "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế". Như vậy, cụm từ "Tổ quốc" đã được đưa lên đầu, thay cho bản dự thảo trước là "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân,...".
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước, tổng hợp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chủ tịch nước có thẩm quyền: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị UB Thường vụ QH xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước có quyền đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao.
Căn cứ vào nghị quyết của QH, Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, cũng như Thẩm phán TAND tối cao, Phó chánh án TAND tối cao, Thẩm phán các tòa án khác, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên Viện KSND tối cao.
Chủ tịch nước quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của QH, công bố quyết định đại xá.
Báo cáo của UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có ý kiến đề nghị QH về thẩm quyền của Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Theo đó, Chủ tịch nước quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng thời, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Báo cáo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng bổ sung, lấy ý kiến QH về quy định việc tuyên thệ khi nhậm chức của Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Trên cơ sở Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, QH sẽ tiếp tục có buổi thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào ngày 27.5.
Trong hai ngày 3, 4.6, QH sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Nguyên Mi(TNO)