Kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng
Cập nhật ngày: 06/01/2014 04:35:47
Trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cao Lãnh rất chú trọng đầu tư về nội dung, cải tiến phương pháp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 2 Nghị quyết, 101 Kế hoạch, 213 Chương trình hành động.
Đa số chương trình, nghị quyết của Huyện ủy đều đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương. Qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Lãnh lần thứ X, kinh tế địa phương có bước phát triển tích cực, đúng hướng; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng an ninh được giữ vững ổn định; phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy huyện và cơ sở từng bước đổi mới; đặc biệt là việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, các chủ trương của Huyện ủy ngày càng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng; uy tín của Đảng bộ càng được nâng cao.
Từ thực tiễn quá trình tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Thứ nhất, khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, cấp ủy, các tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể phải quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc “Cấp ủy cấp dưới phải phục tùng Chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy cấp trên”. Nghị quyết của cấp ủy cơ sở và chương trình, kế hoạch của các cấp chính quyền, đoàn thể phải bám sát tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm của các Chỉ thị, Nghị quyết, các Chương trình hành động của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy, khắc phục tình trạng bỏ sót, không chấp hành hoặc sao chép, mô phỏng các Nghị quyết của cấp ủy cấp trên không phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị mình.
Thứ hai, tùy vào mức độ, tính chất của công việc, nhiệm vụ chính trị đặt ra mà cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến các cá nhân, tập thể trước khi đưa ra thảo luận và thống nhất ban hành chương trình, nghị quyết. Nhiệm vụ đặt ra cần có trọng tâm, trọng điểm, xác định được khâu đột phá; cố gắng lượng hóa những nhiệm vụ đó bằng chỉ tiêu cụ thể... Các biện pháp đề ra cần đồng bộ, bao gồm biện pháp về chính trị tư tưởng kết hợp biện pháp về tổ chức, hành chính, khen thưởng; trong đó giải quyết có hiệu quả những yếu kém, tồn tại, những vấn đề bức xúc của địa phương, đơn vị đang đặt ra. Việc phân công thực hiện nhiệm vụ cần rõ ràng, gắn với chức trách, nhiệm vụ và khả năng thực thi của chi bộ, cán bộ, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba, khi đã có chương trình, nghị quyết thì việc tổ chức triển khai, quán triệt là khâu đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành các chương trình, nghị quyết, tạo sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Việc triển khai, quán triệt nghị quyết của cấp ủy phải trên tinh thần chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ, học tập nghiêm túc; chú trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên về ý thức học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên tinh thần “lười học tập Nghị quyết của Đảng cũng là biểu hiện của sự suy thoái, xem đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tập thể và cá nhân. Sau mỗi lớp học kết thúc, Bí thư cấp ủy giành thời gian để truyền đạt những vấn đề có liên quan đến thực tiễn của địa phương, tranh thủ đối thoại để nắm tình hình và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các nội dung đã nêu trong chương trình, nghị quyết, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm. Cấp ủy, Bí thư cấp ủy thường xuyên tiến hành theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan thường xuyên báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời cho ý kiến đối với những vấn đề phát sinh, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên trên tinh thần “đảng viên đi trước” và sự tham gia giám sát của quần chúng nhân dân.
Thứ năm, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết phải kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền vận động với việc nắm bắt thông tin phản hồi từ nhân dân để tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng hoàn thiện chủ trương, chính sách, chỉ đạo thực hiện nghị quyết sát với thực tiễn.
Nguyễn Chánh Tâm