Đồng Tháp Mười - Căn cứ địa huyền thoại của nhân dân chống xâm lược
Kỳ II: Đồng Tháp Mười - “Thủ đô kháng chiến” huyền thoại
Cập nhật ngày: 23/12/2013 05:02:10
Vì sao từ một cánh đồng hoang nổi tiếng “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh”, Đồng Tháp Mười đã trở thành “vùng đất cách mạng”? Đó là vì chúng ta đã xây dựng thành công khu căn cứ địa trên cơ sở kết hợp việc thực hiện đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lĩnh vực hoạt động.
Sau khi các cơ quan và đơn vị trực thuộc Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ đặt bản doanh tại chiến khu Đồng Tháp Mười, từ cuối năm 1946 cuộc kháng chiến đã có bước phát triển mới. Xã nào cũng thành lập được chi bộ đảng với số lượng đảng viên ngày càng tăng. Đặt biệt, các đoàn thể cứu quốc đã được củng cố vững mạnh về tổ chức. Hội nghị đại biểu các chính Đảng, đoàn thể cứu quốc, các tôn giáo, các dân tộc, các nhân sĩ yêu nước đã bầu ra Ủy ban Việt Minh. Sau đó, Mặt trận Việt Minh hợp nhất với Hội Liên Việt, lấy tên là Mặt trận Liên Việt Nam bộ. Xứ Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc Nam bộ cũng đã tiến hành đại hội hoặc triệu tập hội nghị đại biểu để thành lập. Các Hội Phật giáo cứu quốc, Hội Cao đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất, Hội Công giáo kháng chiến... cũng ra đời tại chiến khu Đồng Tháp Mười.
Hoạt động tích cực của các đoàn thể cứu quốc đã làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng, chính quyền và quân đội. Chỉ tính riêng trong trận Mộc Hóa, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã tích cực vận động nhân dân đảm bảo số gạo cho 3.000 quân đủ ăn để đánh giặc trong 7 ngày. Khoảng 500 dân công cũng được huy động để phục vụ đắc lực cho trận đánh này. Trong những năm 1947-1949, chính quyền nhân dân đã được thành lập ở 1.000 xã trong 1.334 xã trên toàn Nam bộ. Với đội ngũ dân quân, du kích 270.593 người, 458.880 đoàn viên Phụ nữ Cứu quốc, 399.904 hội viên Nông dân Cứu quốc, 237.789 đoàn viên Thanh niên Cứu quốc, 68 đội viên Thiếu nhi Cứu quốc, 11.229 lớp bình dân học vụ, 160 Hội Bà mẹ chiến sĩ... tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân này.
Ngay trong những năm kháng chiến, ở chiến khu Đồng Tháp Mười đã triệt để thực hiện chính sách giảm tô giảm tức của Chính phủ ban hành. Hàng vạn nông dân được cách mạng tạm cấp ruộng đất, cấp đìa. Đặt biệt, vì Đồng Tháp Mười là nơi đất rộng người thưa, nên mỗi hộ dân được cấp diện tích đất rộng tới “trăm ngang ngàn dọc”, nghĩa là một bề 100m nhân một bề 1.000m bằng 10.000m2 (ha). Ngoài ra, còn khuyến khích việc khai khẩn đất hoang, vận động điền chủ hiến điền hay nhường bớt ruộng đất... nên đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt. Những chính sách về nông thôn của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ trong những năm 1947-1948 đã làm biến đổi vùng căn cứ địa cách mạng, có ảnh hưởng mạnh đến vùng du kích và vùng bị tạm chiếm. Nhiều nơi trên đất Đồng Tháp Mười, dọc theo các con kinh chính hình thành nên những thị tứ. Chợ Mỹ An được coi là “chợ Nam bộ”, chợ Thiên Hộ là chợ “khu 8”.
Ngoài ra, một trong những thành tích nổi bật trong việc xây dựng chiến khu Đồng Tháp Mười là đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “kháng chiến về văn hóa”. Trước hết, ở chiến khu, phong trào thi đua xây dựng đời sống mới đã được phát triển mạnh trong nhân dân. Những hủ tục mê tín dị đoan hầu như được phá bỏ, xã hội trong chiến khu không có tệ nạn cờ bạc và rượu chè. Đồng thời phát triển mạnh mẽ phong trào bình dân học vụ, đã tiến hành thành công việc xóa nạn mù chữ cho 95% dân số, từ 15-20% cho bộ đội và cơ quan.
Dũng Chinh
(Tổng hợp)