Huyện Hồng Ngự

Một số kết quả thực hiện quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 11/11/2013 04:05:03

Cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Nghị quyết 21), huyện Hồng Ngự đã thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, địa phương đã xây dựng hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, quy hoạch giao thông vận tải huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch chung thị trấn Thường Thới.

Công tác quy hoạch cũng được tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương cũng như phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các định hướng trong quy hoạch là căn cứ để xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, làm cơ sở xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ công tác xúc tiến đầu tư. Huyện Hồng Ngự cũng chú trọng và tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Năm 2012, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 72 đơn vị với tổng số vốn gần 300 tỷ đồng. Khu vực kinh tế tư nhân góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Kinh tế tập thể và sở hữu tập thể được quan tâm, trong đó kinh tế hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình có xu hướng phát triển và phát huy vai trò trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho xã viên và người lao động. Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Nhiều mô hình hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn ở một huyện vùng biên.

Địa phương tập trung đầu tư phát triển các chợ, nhất là chợ cửa khẩu nhằm cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới. Đồng thời thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, điều tiết thị trường được tăng cường, nhất là các hoạt động bảo đảm sự cạnh tranh làm mạnh, bình ổn thị trường như: chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu... nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân và các thành phần kinh tế.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, từng bước nâng cao mức sống nhân dân tại các vùng khó khăn, tạo sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền. Địa phương cũng thực hiện tốt chính sách xã hội, huy động các nguồn đóng góp tài trợ của các tấm lòng hảo tâm để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người già cô đơn và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn