Nghị lực của một bệnh binh
Cập nhật ngày: 13/07/2012 07:20:44
Đó là ông Trần Văn Kháng, sinh năm 1945, bệnh binh xếp tỷ lệ mất sức lao động 62%, ngụ tổ 27, khóm Thuận Nghĩa, phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (cha và 2 em là liệt sĩ), bản thân ông năm 18 tuổi (năm 1963) đã tham gia bộ đội chủ lực (thuộc Tiểu Đoàn 502).
Ông Trần Văn Kháng hiện sống an nhàn cùng con cháu
Trải qua bao nhiêu trận đánh “vào sinh ra tử”, ông không nhớ hết: nào trận vây đồn Bình Hàng Tây, trận chống càn 2 ngày ở cầu Tân Trường - Miếu Ông, rồi trận Cà Vàng, Láng Tượng, Bà Lương, trận 37 tàu... Ông kể: như một kỷ niệm, cứ 3 năm bị thương một lần. Sau lần thứ 3 bị thương vào năm 1969, ông được chuyển về bộ phận thông tin của Tham mưu Tỉnh đội, đến năm 1976 thì phục viên.
Rời quân ngũ, ông trở về quê, vẫn với chiếc ba lô thân thuộc cùng bản lĩnh người lính Cụ Hồ được tôi luyện qua những năm tháng chiến tranh, như những thanh niên bình thường khác, ông bắt tay vào xây dựng cuộc sống gia đình: lấy vợ, sinh con, làm lụng lo cho gia đình.
Ông kể, lúc bấy giờ rất khó khăn, nhà nghèo không có đất, vợ chồng ông mướn đất làm rẫy, xuống sông bắt cá, làm đủ mọi việc, có thời điểm phải đi xắt thuốc mướn tận Miền Đông. 3 đứa con lần lượt ra đời, nhiều lúc làm không đủ ăn, phải đi mượn gạo, ăn trước trả sau... Nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, tích cực dành dụm, vợ chồng ông lần lượt mua được 5 công đất ruộng, sau đó tiếp tục mua thêm được 15 công đất nữa và chăm lo cho các con học hành.
Ông nói: “Trước khi đi bộ đội, tôi học hành không được bao nhiêu. Nhưng nhớ trong những buổi học chỉnh huấn, tôi luôn được giáo dục: Văn hóa là chìa khóa mở mang trí óc. Nghĩ đời mình học không bao nhiêu, phải cố gắng lo cho các con ăn học. Nhớ lúc khó khăn, vợ chồng trồng được 2 công rau muống, con đi học đều trông vào số rau muống cắt bán hàng ngày. Nhưng cũng nhờ quyết tâm đó mà cả 3 đứa con tôi đều được học hành tử tế, 2 con gái hiện là giáo viên, con trai là kỹ sư xây dựng...”.
Bên cạnh chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, ông còn tham gia công tác ở địa phương, là trưởng ấp rồi Bí thư Chi bộ khóm nhiều năm liền. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khóm Thuận Nghĩa.
Nay kinh tế gia đình ông đã ổn định với 5 công đất ruộng, 2,5 công vườn, nhà cửa kiên cố, các con có nghề nghiệp đàng hoàng. Tất cả đều từ nghị lực, công sức, sự cần cù tự lực vươn lên của một bệnh binh. Ông nói về sự nỗ lực của mình: “Tôi chỉ nghĩ mình sinh trong một gia đình truyền thống, nên còn giặc thì đi đánh giặc, giải phóng rồi thì về lo dựng nhà...”.
Không lấp lánh thành tích như bao anh hùng, nhưng ông cũng đã một thời cống hiến tuổi xuân và một phần xương máu của mình cho Tổ quốc, điều đáng quí là khi trở lại đời thường, ông vẫn sống lạc quan yêu đời, tự lực cánh sinh vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm ngay trên quê hương.
T.S