Ở Cao Lãnh ngày ấy

Cập nhật ngày: 18/07/2024 11:02:13

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240718110254dt2-1.mp3

 

ĐTO - Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết ở Giơ-neo ngày 20/7/1954. Việt Nam tạm chia thành hai miền, lấy sông Bến Hải vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Quân đội Liên hiệp Pháp ở miền Bắc rút về miền Nam, trong 2 năm phải rút hết khỏi Đông Dương. Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thời gian tạm chia hai miền, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên hiệp Pháp thực hiện bình thường quan hệ Bắc Nam và đến ngày 20/7/1956 tổng tuyển cử cả nước, thống nhất đất nước.

Thi hành Hiệp định, thị trấn Cao Lãnh là 1 trong 4 điểm tập kết Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Khu 8, một phần miền Đông Nam Bộ và quân i-xa-rắc của Cao Miên, lần lượt xuống tàu của Pháp ở bến bắc Cao Lãnh, ra biển Vũng Tàu, sang qua tàu của Liên Xô và Ba Lan đi ra Bắc.

Ở Cao Lãnh, quân Pháp và lực lượng võ trang các giáo phái thân Pháp rút khỏi Cao Lãnh. Ngày 10/8/1954, khi Hiệp định có hiệu lực, đoàn sĩ quan liên lạc của ta, hơn một tiểu đội, do ông Trần Bá Hào - Tham mưu phó Tỉnh đội Long Châu Sa dẫn đầu, đi tàu từ Phong Mỹ, ra sông Cái, theo sông Cao Lãnh về tiếp thu thị trấn Cao Lãnh. Còn cách cầu đúc Cao Lãnh 500 thước, tàu cặp bến phía Mỹ Trà, lên đi bộ xuống thị trấn Cao Lãnh. Đi đầu là một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam cầm lá cờ đỏ sao vàng, tiếp đến là ông Trần Bá Hào và số sĩ quan liên lạc của ta đi hàng dọc, tới ngã tư lầu Mười Chuyển quẹo phải, qua cầu đúc Cao Lãnh, tới dinh quận Cao Lãnh. Nhân dân hai bên đường túa ra, vỗ tay, vui mừng chào đón phái đoàn ta. Các sĩ quan Pháp ra cửa đón phái đoàn.

Vào họp, đầu tiên phái đoàn ta đề nghị cho treo lá cờ đỏ sao vàng ở cột cờ trước dinh quận. Người người sung sướng, cảm động nhìn lá cờ đỏ tung bay nơi hang ổ của địch.

Lần lượt, các cơ quan tỉnh, huyện Cao Lãnh và các đơn vị bộ đội từ Đồng Tháp Mười ra đóng ở thị trấn Cao Lãnh và các xã lân cận. Công sở Mỹ Trà được làm nơi hai phái đoàn ta và Pháp họp bàn bạc các việc thi hành cụ thể từng phiên. Hệ thống loa truyền thanh nối từ các cuộc họp được phát ra công khai. Nhân dân theo dõi lắng nghe. Ban Thông tin huyện Cao Lãnh mắc thêm loa để nhiều người được nghe. Ty thông tin Long Châu Sa cùng ra đây hoạt động. Băng đỏ căng ngang các ngã đường mang nội dung nhiệt liệt chào mừng hòa bình, trích các điều khoản quan trọng trong Hiệp định. Các họa sĩ Lê Vinh, Lê Thế hướng dẫn Nhân dân phối hợp với cán bộ Thông tin của ta xóa bỏ các khẩu hiệu viết trên tường của địch, viết lại các khẩu hiệu của ta. Đặc biệt, anh Hiệp - cán bộ Thông tin huyện Cao Lãnh đã dũng cảm lập thế treo người viết lên thành bồn nước cao, gần cầu đúc, dòng chữ đỏ: Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất muôn năm. Người qua lại nhìn thấy ai cũng vui mừng, cảm phục.

Đoàn văn công Ngủ Yến của tỉnh và đoàn quân nhạc Quân Khu 8 hằng đêm tới sân banh Cao Lãnh, về các xã xung quanh biểu diễn cho Nhân dân và bộ đội xem. Các vở cải lương như: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Vương Tá đản tí, Thoát vòng đau khổ; kịch nói Một bó đăng; ca nhạc cảnh Bến đò ngày xuân... được bà con, bộ đội xem say mê, hấp dẫn, vỗ tay nhiệt liệt. Đặc biệt các điệu múa: Nông tác vũ, Vỗ tay ca, Chung sức toàn dân, Kết đoàn, Mùa hoa nở... được mọi người tán thưởng. Các đội chiếu phim thay nhau chiếu nhiều đêm ở các sân banh và sân chợ ở các xã. Bà con đến xem đông đảo, thích thú với các bộ phim Việt Nam kháng chiến, đặc biệt là bộ phim màu Ác-mô-ni-so-vi-ê-tíc với cảnh đẹp, con người và đời sống người dân ở nước xã hội chủ nghĩa trong Liên bang Xô Viết. Phổ biến nhứt là các em nhỏ ở từng nơi bộ đội đóng quân, các trường học được hướng dẫn các bài hát, những điệu múa, như: Mùa hoa nở, Vui họp đoàn, Kết đoàn, Vỗ tay ca...; cứ mỗi đêm theo từng xóm ấp làm rộn vang không khí vui tươi, điều mà trước đây trong vùng địch tạm chiếm không có. Các điểm triển lãm vũ khí, hình ảnh chiến đấu, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ... lúc nào cũng đông người xem.

Y sĩ Lê Thanh Liêm cùng cán bộ y tế tiếp nhận nhà thương Cao Lãnh, giữ hoạt động bình thường phục vụ Nhân dân. Đặc biệt ở điểm cấy Fi-la-tốp (cấy nhao) phục vụ miễn phí, được bà con trong tỉnh và ngoài tỉnh rất hâm mộ đến rất đông.

Ở Trường Tiểu học Cao Lãnh, khi rút đi, Pháp đưa hết giáo viên, chở hết bàn ghế xuống Sa Đéc. Bà con có con em học ở đây có nguyện vọng con em mình được tiếp tục học với thầy giáo cách mạng. Các đồng chí lãnh đạo đã chọn một số cán bộ có học vấn cao làm thầy, thuyết phục người giữ chìa khóa trường mở cửa cổng và các phòng lớp cho ta dạy học. Vì không có bàn ghế, nên cha mẹ học sinh phải tự mang đến thùng cây và các thứ thay bàn học cho con em mình được học. Các thầy giáo mặc áo quần bà ba đen, vui vẻ, tận tình dạy chữ, kể chuyện kháng chiến và dạy các bài hát cách mạng, học sinh rất thích thú, say mê học. Chính môi trường nầy đã giúp học sinh Cao Lãnh tăng thêm lòng yêu nước, yêu cách mạng, có những hoạt động chống địch sau nầy.

Tỉnh ủy Long Châu Sa ra Chỉ thị về công tác dân vận. Ở vùng độc lập trước đây và những xã bộ đội về đóng quân trong nhà dân, bộ đội cùng cán bộ địa phương tổ chức đào kinh, cất thêm trường học, nhà hộ sanh, lễ phép với người trong nhà, làm cỏ, gánh nước, quét sân... như người trong gia đình, được bà con rất quý mến. Từng xóm, bà con họp lại được bộ đội ta hướng dẫn các điều khoản của Hiệp định Giơ-neo, lý lẽ đấu tranh với địch sau nầy. Trong nội ô thị trấn Cao Lãnh rất mất vệ sinh. Bộ đội móc cống rãnh cho thoát nước, quét rác, dẹp cầu tiêu dưới sông, hướng dẫn bà con đào hố tiêu, ăn chín uống sôi... được đồng bào khâm phục.

Đặc biệt, Tiểu đoàn 311 được giao nhiệm vụ cùng đồng bào địa phương xây dựng hai công trình tưởng niệm. Đó là xây dựng lại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy - nhà nho yêu nước, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hòa An và Đài Liệt sĩ, có tấm bia Tổ quốc ghi công ở ngã tư lầu Mười Chuyển.

Các đơn vị bộ đội từ các nơi lần lượt về và lần lượt xuống tàu ở bến bắc Cao Lãnh tập kết ra Bắc. Các cuộc tiễn đưa thấm đẫm nghĩa tình kẻ ở người đi, người dưới tàu, người trên bờ đều giơ hai ngón tay thay lời hẹn hai năm sẽ trở lại.

Sáng ngày 29/10/1954, một cuộc mít tinh đông đảo người dân đến dự, chứng kiến đại diện Chánh phủ, Quân đội ta do đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng đoàn bàn giao với đại diện Liên hiệp Pháp thị trấn Cao Lãnh. Và trong ngày nầy, chuyến tàu cuối cùng đưa bộ đội ta tập kết ra Bắc tại bến bắc Cao Lãnh rời bến.

Lịch sử chuyển sang trang mới...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn