Phấn đấu đến cuối năm 2015 cả nước còn dưới 5% hộ nghèo

Cập nhật ngày: 22/04/2013 19:38:13

Chiều ngày 22/4/2013, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì hội nghị trực tuyến để đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo trong 2 năm (2011 và 2012) với lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bí Thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân cùng thành viên Ban Chỉ đạo Giảm nghèo và việc làm của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp.


Quang cảnh hội nghị tại Đồng Tháp

Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, trong 2 năm 2011 và 2012, Việt Nam bố trí tổng kinh phí gần 70.868 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Bên cạnh đó, Việt Nam đã bố trí gần 9.350 tỷ đồng để các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2012 ở các vùng khó khăn. Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước trong giai đoạn 2011-2012 giảm trung bình 2,3%/năm, cụ thể giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và giảm còn 9,6% (năm 2012).

Tuy đạt nhiều hiệu quả nhưng kết quả giảm nghèo của nước ta vẫn chưa vững chắc, chênh lệch giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Tỷ lệ hộ nghèo các vùng trong cả nước còn có khoảng cách lớn. Năm 2012, chỉ có 3/8 vùng địa lý có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân cả nước là vùng Đông Nam bộ (tỷ lệ 1,27%), vùng Đồng bằng Sông Hồng (tỷ lệ 4,89%) và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (tỷ lệ 9,24%); các vùng khác đều cao hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó cao nhất là Miền núi Tây Bắc (tỷ lệ hộ nghèo đến 28,55%).

Mục tiêu giảm nghèo năm 2013, cả nước phấn đấu giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%, cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% (theo chuẩn nghèo hiện hành).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định vai trò quan trọng của công tác giảm nghèo đối với sự phát triển của đất nước. Qua đó, chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tuyên truyền cho người dân về công tác giảm nghèo; tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững; tổ chức thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.

PHÚ THUẬN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn