Phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng
Cập nhật ngày: 08/09/2014 05:20:05
5 năm qua, từ khi triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp ủy đảng tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên; các cấp, các ngành có chương trình, kế hoạch cụ thể với giải pháp phù hợp, thiết thực nên việc triển khai thực hiện đạt được kết quả. Qua đó, bước đầu đã làm chuyển biến về nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành, nhất là nhận được sự hưởng ứng của đa số người tiêu dùng; các thành phần kinh tế có cái nhìn đúng đắn hơn về tiềm năng phát triển của địa phương trước xu thế hội nhập và phát triển; một số sản phẩm lợi thế của địa phương bắt đầu xây dựng được thương hiệu, được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước chấp nhận.
Hàng Việt về nông thôn. Ảnh: Mỹ Nhân
Kết quả nổi bật là CVĐ đã trở thành phong trào rộng khắp, từng bước làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi mua sắm, nhất là việc các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã thay đổi hành vi sính ngoại bằng việc sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Toàn tỉnh đã tổ chức được 35 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp”, có 1.469 doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 500.000 lượt người, doanh số bán ra gần 40 tỷ đồng. Cùng với công tác tuyên truyền, nhằm triển khai thực hiện CVĐ, một số ngành chức năng đã vào cuộc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, khu vực biên giới, qua đó làm cho CVĐ ngày càng thiết thực và có hiệu quả. CVĐ đã khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân dân tộc, thể hiện được lòng yêu nước của mỗi người dân. Người tiêu dùng đã quan tâm mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước; các đơn vị kinh tế đang nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ ở thị trường trong tỉnh và khu vực.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: Sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu; một số địa phương, đơn vị chưa thật sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, thiếu tính đột phá; công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng, vẫn còn một bộ phận nhân dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu; một số địa phương triển khai CVĐ mang tính riêng lẻ, thiếu tính gắn kết.
Để việc thực hiện CVĐ trong thời gian tới có chiều sâu, mang tính bền vững, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích CVĐ là “Phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất hàng Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, có sức cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là vai trò nòng cốt trong việc vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên ủng hộ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt, hướng đến xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cộng đồng; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường kiểm soát hàng gian, hàng giả; xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Có thể khẳng định, thông qua CVĐ đã tạo được sự chuyển biến mới về nhận thức của người dân trong tỉnh, từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tâm lý sính dùng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng từng bước được xây dựng. Những hiệu quả thiết thực đạt được trong thời gian qua đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng Dao