Phát huy tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc

Cập nhật ngày: 20/07/2024 05:17:48

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240720051836dt2-2.mp3

 

ĐTO - Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20/7/1954, đánh dấu sự kết thúc của chặng đường đấu tranh lâu dài và gian khổ đi tới độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng, buộc Pháp phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Hiệp định Giơ-ne-vơ thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đó là phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn hội nghị.


Quang cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 (Ảnh: TƯ LIỆU/SGGP)

70 năm đã đi qua, kể từ ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20/7/1954 - 20/7/2024), đặc biệt từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên gấp nhiều lần; đời sống Nhân dân về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả, từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Sức mạnh tổng hợp, cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương...

Phát biểu tại hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh giá “...trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định “...Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay”...

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột quân sự. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp. Khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển mạnh mẽ; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh mạng... đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tiếp tục phát huy tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền về: Bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn tới Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954; quá trình chuẩn bị của Việt Nam; diễn biến, kết quả hội nghị; nội dung, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách và những thành tựu ngoại giao của Việt Nam...

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; quyết tâm xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Kịp thời nhận diện, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam và đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

Phú Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn