Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Báo chí tại Kỳ họp thứ 9
Cập nhật ngày: 11/12/2024 10:24:51
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Báo chí (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp sáng 11/12 (Ảnh: DUY LINH)
Bổ sung 5 dự án luật, nghị quyết vào chương trình xây dựng luật 2025
Sáng 11/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với 5 dự án luật, nghị quyết do Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị, bao gồm: Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi dự án Luật Luật sư (sửa đổi) sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình 1 kỳ họp: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
"Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025): Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi)", ông Trần Tiến Dũng nói.
Thứ trưởng Tư pháp Trần Tiến Dũng (Ảnh: DUY LINH)
Xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách
Làm rõ thêm về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Thứ trưởng Tư pháp cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là nội dung định hướng tại Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" và quy định của Hiến pháp năm 2013, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách.
Chính sách 1: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về các khái niệm báo, tạp chí; điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý Nhà nước về báo chí tại địa phương; quy định để tạp chí khoa học theo đúng tính chất; về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; bổ sung quy định việc nộp lưu chiểu bản tin, đặc san.
Chính sách 2: Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu; quy định về cấp, cấp lại, thu hồi đổi thẻ nhà báo.
Chính sách 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: phát triển mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí; chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; nhập khẩu báo in, tạp chí in và xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình;...
Chính sách 4: Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí; công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng của cơ quan quản lý Nhà nước; quy định cơ chế quản lý đối với các hoạt động có ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.
Nghiên cứu, làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Xã hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: DUY LINH)
Bao gồm: tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các Ủy ban của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ giữa quy định về “tạp chí khoa học” với quy định về "tạp chí in", "tạp chí điện tử" tại chính sách 1; hình thức "xử lý vi phạm" đối với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và nghĩa vụ tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đối với "người làm báo" tại chính sách 2.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông bảo đảm phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập tại chính sách 3; hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với "trang thông tin điện tử tổng hợp" tại chính sách 4...
Theo VĂN TOẢN (NDO)