Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)

Sự lãnh đạo của Đảng là niềm tin, kỳ vọng về một tương lai tươi đẹp

Cập nhật ngày: 01/02/2025 18:55:46

ĐTO - Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có nhiều sự kiện trọng đại, mang ý nghĩa và tầm vóc của thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930 là một sự kiện như thế, một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Tình yêu với Đảng luôn hòa quyện trong niềm tôn kính với Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai toàn diện, các cấp ủy, tổ chức Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng phong cách lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở; lựa chọn những thế mạnh để phát huy.


Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bên phải) trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho đảng viên

Đồng thời xác định những khó khăn, vướng mắc để tập trung xử lý; kiên trì thực hiện những chủ trương, giải pháp đúng đắn được kiểm nghiệm từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đạt vượt kế hoạch đã kết nạp 8.735 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh là 66.461 đồng chí (chiếm 4,15% dân số (chỉ tiêu trên 4%); tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn đạt trên 95%; Ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội, Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản hoạt động từ khá trở lên đạt 94% (chỉ tiêu 70%).

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo ngay từ bước xây dựng, ban hành các Nghị quyết, Kết luận chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Điểm mới là ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, toàn bộ 6 Nghị quyết và 10 Kết luận chuyên đề được ban hành, triển khai thực hiện trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Kết thúc tình trạng quá nửa nhiệm kỳ vẫn còn ban hành nghị quyết, kết luận.


Đoàn công tác của Vụ Địa phương III, Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Huyện ủy Tam Nông về thực hiện mô hình “Tổ đảng nơi đảng viên đi lao động, làm việc xa nơi cư trú” trên địa bàn huyện Tam Nông

Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết được đổi mới theo hướng tổ chức ngày học tập tập trung, đợt sinh hoạt chính trị theo chủ điểm. Nghe báo cáo kết hợp thảo luận bàn giải pháp thực hiện, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của từng cấp uỷ, tổ chức Đảng. Công tác phát triển đảng viên chuyển biến tích cực, dặc biệt là phát triển đảng viên từ học sinh THPT, sinh viên đạt kết quả tốt. Công tác quản lý đảng viên, nhất là đảng viên đi làm ăn xa với mô hình “Tổ đảng nơi đảng viên đi lao động, làm việc xa nơi cư trú” đã phát huy tác dụng, giảm số lượng đảng viên xoá tên do điều kiện mưu sinh. Công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực, các mô hình phát huy tinh thần chăm chỉ, tự lực, hợp tác của người dân như Hội quán, Không gian đại đoàn kết, Tổ hợp tác, Tổ Nhân dân tự quản, được duy trì, phát triển. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tỷ lệ tập hợp quần chúng trên địa bàn đạt trên 67,13% (tăng 10,51% so với cuối năm 2020).

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đất Sen hồng

Ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh, tái cơ cấu hiệu quả với chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực được mở rộng, đẩy mạnh, đi đầu trong nhóm chuyển đổi số của tỉnh, kết hợp hiệu quả giữa nông nghiệp - du lịch - thương mại, tư duy kinh tế nông nghiệp dần hình thành thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp trong đại bộ phận nông dân tỉnh. Ngành lúa gạo giữ vai trò chủ đạo, nhất là xuất khẩu; năm 2024, lúa gạo lần đầu tiên trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Ngành hàng hoa kiểng phát triển đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường, cung ứng hàng hoá cho cả nước và xuất khẩu.

Triển khai hệ thống nền tảng nông nghiệp số, với quy mô 95 hệ thống, trạm giám sát thông minh và 100 điểm đo nhiệt độ, độ ẩm tự động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ dữ liệu quản lý truy xuất nguồn gốc đều được tích hợp, quản lý trên nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh đã triển khai 161.000ha tham gia thực hiện Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải và đang xây dựng Đề án tổng thể “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.


Nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt hơn 117.000 tỷ đồng, tăng 38% so tổng vốn huy động giai đoạn 2016 - 2020. Ước tính đến cuối năm 2025, sẽ có 52,01km đường cao tốc, có thêm 14km Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. Tỉnh đã triển khai xây dựng mới 96km và nâng cấp, mở rộng 137,5km đường tỉnh, 195km đường huyện. Nhiều dự án có quy mô, kết nối liên vùng đã và đang được đẩy nhanh tiến độ như: hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (đoạn qua địa bàn tỉnh), đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (dự án thành phần 1) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.

Kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp vào GRDP ước đạt hơn 29%, tăng 6% so năm 2020. Thu hút dự án đầu tư có chuyển biến, quy mô vốn đăng ký mới tăng hơn 40% so giai đoạn 2016 - 2020. Hợp tác xã thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh có 44 Hợp tác xã thành lập mới hiệu quả. Toàn tỉnh có 152 hội quán (tăng 42 hội quán so với năm 2020).

Hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Thường Phước. Đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp cửa khẩu phụ Mộc Rá thành cửa khẩu chính. Hệ thống đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới hoàn thiện phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, quản lý, bảo vệ biên giới Quốc gia.

Quy mô phát triển các ngành học, cấp học phù hợp với quy mô dân số địa phương, một số chỉ tiêu của tỉnh đã cao hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tiệm cận mặt bằng chung của cả nước. TP Sa Đéc và TP Cao Lãnh được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”. Chất lượng lao động tiếp tục được cải thiện. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động đạt vượt chỉ tiêu, với nhiều hình thức linh hoạt. Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục phát huy hiệu quả, đến nay có trên 8.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (tăng hơn 11% so giai đoạn 2016 - 2020).


Du khách tham quan, trải nghiệm với tour du lịch dỡ chà bắt cá trên địa bàn TP Cao Lãnh

Khoa học và công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều vào các ngành, lĩnh vực. Mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện, nghiệm thu mô hình. Phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ có 7 địa phương được công nhận Làng thông minh. Trung tâm chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp là trung tâm thứ hai được thành lập trên toàn quốc, tập trung đẩy mạnh số hoá trên 3 lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp.

Tỉnh đã xây dựng các tiêu chí chuẩn mực con người Đồng Tháp “yêu nước, đoàn kết, trung thực, tự lực, chăm chỉ, hợp tác, nghĩa tình, năng động sáng tạo”. Công tác  bảo tồn, tôn tạo và khai thác hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được chú trọng. Các lễ hội tôn vinh, phát huy thế mạnh ngành hàng như lễ hội hoa kiểng Sa Đéc, lễ hội sen, lễ hội xoài, lễ hội cá tra thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, khách du lịch, góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch, nông nghiệp.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn