Huyện Hồng Ngự
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu quan trọng đã đề ra
Cập nhật ngày: 23/06/2022 09:41:06
ĐTO - Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, UBND huyện, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và tăng cường công tác tiêm phòng vắc-xin và kiểm soát Covid-19 cho các đối tượng theo quy định. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán. Tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ theo hình thức đa ngành nghề; tập trung phát triển các mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế giữa hợp tác xã (đại diện thành viên hợp tác xã và nông dân sản xuất trên địa bàn) với doanh nghiệp để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp gắn với thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện.

Nuôi cá tra thịt được xem là một trong những thế mạnh về phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Hồng Ngự
Sản xuất nông nghiệp của huyện Hồng Ngự tiếp tục phát triển và từng bước đi vào chiều sâu, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện Hồng Ngự tiếp tục duy trì và phát triển 5 ngành hàng chủ lực: lúa - gạo, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, rau an toàn, cá tra giống, bò sinh sản và bò vỗ béo, ngành hàng vịt. Theo đó, ngành hàng lúa - gạo với diện tích sản xuất 21.328,4/21.328,4ha (đạt 100% kế hoạch) và liên kết tiêu thụ được 3.129,5/3.000ha (đạt 104% so với kế hoạch). Việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất lúa đã giúp người dân giảm giá thành từ 150 - 500 đồng/kg, tăng thêm lợi nhuận từ 1,5 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Triển khai thiết lập và đăng ký mã số vùng trồng lúa tại 2 xã Long Khánh A với diện tích 30ha, xã Long Khánh B với diện tích 60ha (đã định vị tọa độ vùng trồng và đăng ký hồ sơ bước đầu về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật). Ngành hàng sản xuất cá tra giống có tổng diện tích sản xuất, ương nuôi cá tra giống là 190,5ha. Tính đến nay, huyện Hồng Ngự có 55 cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện kinh doanh với sản lượng cung cấp cho thị trường ước đạt 5,993 tỷ bột; có 550 hộ ương nuôi cá tra giống với sản lượng ước đạt 360 triệu con.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào các ngành may mặc, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, dệt choàng. Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp đạt 100% công suất. Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp đều đáp ứng đủ nhu cầu lao động, một số doanh nghiệp may mặc có số lượng công nhân tăng hơn 20% so với thời điểm vừa thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Hoạt động du lịch trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, 6 tháng đầu năm 2022, địa phương tiếp đón 52.240 lượt khách đến tham quan, du lịch (tăng 39.440 lượt khách so với cùng kỳ): điểm du lịch Vườn nho Ba Tuấn (xã Long Khánh B), điểm du lịch sinh thái Tiên Định (xã Phú Thuận A) và Bãi tắm cồn, Làng nghề dệt choàng (xã Long Khánh A). Huyện Hồng Ngự tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương về tiềm năng kinh tế, sản phẩm chủ lực, cải thiện môi trường đầu tư để tăng sức hấp hẫn, thu hút mạnh các nhà đầu tư vào địa bàn. Chủ động tìm, gặp gỡ tạo cơ hội hợp tác để các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư mới, mở rộng sản xuất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư và đồng hành hỗ trợ thực hiện các dự án: Dự án Las Vegas tại cồn chính sách xã Thường Phước 1 (quy mô 250ha); Dự án Chợ Thường Phước 1; Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn 689 công nghệ Châu Âu; Khu đô thị thông minh; Khu du lịch làng nghề... Địa phương đã tổ chức đấu giá đất xong dự án nhà hàng khách sạn 4 sao, dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành thủ tục giao nhà đầu tư thi công dự án.

Giới thiệu sản phẩm đến với du khách nước ngoài tại làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự
UBND huyện quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 và thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 để học sinh trở lại trường học tập. Cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp học và trang thiết bị dạy học ở các bậc học, cấp học tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Đến nay, huyện Hồng Ngự có 28/50 trường đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 7 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; 1 trường đạt mức độ 1), đạt 56%. Huyện mở được 10/10 lớp nghề, với 235 học viên tham gia, đạt 100% kế hoạch, các học viên sau khi hoàn thành khóa học, trên 90% có việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho các lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đào tạo nghề của địa phương. Tỷ lệ lao động của huyện là 63,87%/64%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 51,8%/52%.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6/2022, huyện Hồng Ngự có 6/9 xã đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã còn lại: Long Khánh B đạt 18/19 tiêu chí, Long Khánh A đạt 16/19 tiêu chí; Thường Thới Hậu A đạt 15/19 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2022 có thêm 2 xã Long Khánh A và Long Khánh B đạt 19/19 tiêu chí. Mô hình hội quán tiếp tục được quan tâm và nhân rộng, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã vận động thành lập được 2 hội quán, dự kiến tháng 7/2022 tổ chức ra mắt tại xã Phú Thuận A và xã Phú Thuận B.
|
TIẾN ĐẠT