Tiếp nối truyền thống của ngành in Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 10/10/2012 07:38:18

Cách đây tròn 60 năm, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập ngành “Xuất bản In - Phát hành sách” và cũng từ đó Nhà in Quốc gia được thành lập. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành in Việt Nam.


Vận hành máy in 4 màu tại Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp

Đầu năm 1946, tại Đồng Tháp, trước nhu cầu bức thiết cần phải in ấn tài liệu, sách, báo, truyền đơn, khẩu hiệu... để phục vụ cho công tác vận động quần chúng, học tập, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng chí Trần Thị Nhượng (cô Sáu Ngài) - Bí thư Tỉnh ủy SaĐéc thời bấy giờ quyết định thành lập nhà in của tỉnh. Dù phải hoạt động với trang thiết bị thô sơ và gian nan, bí mật nhưng tập thể cán bộ, công nhân nhà in của tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để góp phần làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Từ sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cán bộ, công nhân ngành in của Đồng Tháp vừa tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, vừa nhanh chóng thay đổi tư duy, phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình và phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần cho xã hội. Ngành in Đồng Tháp mà tiêu biểu là Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp đã không ngừng phát triển từ khi sáp nhập hai đơn vị Nhà in Đồng Tháp và Xí nghiệp Giấy in Đồng Tháp vào năm 1991. Sơ khai, sau khi sáp nhập, Xí nghiệp In Đồng Tháp (tên cũ của Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp khi chưa tiến hành cổ phần) chỉ có máy in typo và một vài máy in 1 màu cũ kỹ.

Trải qua thời gian, đến nay Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp đã nâng cấp nhà xưởng khang trang với tổng diện tích hơn 6.500m2 (trụ sở chính ở 212 đường Lê Lợi, phường 3, thị xã Sa Đéc rộng 4.430m2; chi nhánh trên đường Hai Bà Trưng, phường 3, thị xã Sa Đéc rộng 1.700m2 và chi nhánh tại thành phố Cao Lãnh rộng hơn 470m2). Hiện Công ty đã trang bị máy in 4 màu, hệ thống máy tách màu điện tử CTP, máy xén lập trình tự động và nhiều trang thiết bị khác, đáp ứng nhu cầu sản xuất khép kín về in ấn.

Nhằm nâng cao hơn nữa chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân, thời gian qua đơn vị luôn quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật. Đến cuối năm 2011, Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp có 160 cán bộ, công nhân viên, trong đó trình độ đại học là 18 người, trung cấp là 31 người và trình độ khác là 136 người. Công ty đang đưa đi đào tạo đại học 14 người và trung cấp 2 người.

Máy móc được đầu tư và trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân từng bước được nâng cao nên khách hàng tìm đến Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp ngày càng nhiều. Năm 2011, công ty in tổng số 1,37 tỷ trang in, đạt doanh thu gần 37 tỷ đồng, qua đó đạt lợi nhuận hơn 1,7 tỷ đồng và nộp vào ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng. Tính từ năm 2009 đến nay, thu nhập bình quân/người/tháng của Công ty ngày càng tăng cao. Cuối năm 2009 cán bộ, công nhân viên của Công ty thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng trên người/tháng; cuối năm 2010 mỗi người thu nhập bình quân hơn 2,6 triệu đồng/tháng; đến cuối năm 2011, thu nhập bình quân 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty cũng quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân như tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động và đồng phục cho công nhân trực tiếp sản xuất, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Nối tiếp thành tích vẻ vang của Nhà in tỉnh Đồng Tháp trong thời kháng chiến, tập thể cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp đang cùng chung sức, chung lòng để góp phần xây dựng Công ty ngày càng phát triển.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn