Tiêu chí nào để đánh giá một tờ báo hiệu quả?
Cập nhật ngày: 18/06/2012 14:31:39
Hiện nay cả nước có 745 cơ quan báo chí, với nhiều thể loại như: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử... Hầu hết các báo đều được Nhà nước bao cấp kinh phí hoạt động hoặc tự chủ một phần trong mức khoán kinh phí hàng năm của ngành Tài chính theo Nghị định 43/CP của Chính phủ, cá biệt có một vài tờ báo nhờ cơ chế tự chủ mở rộng hoạt động hợp tác tự cân đối kinh phí có tích lũy...
Báo mình đứng hàng thứ mấy khu vực? Câu hỏi bất ngờ của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi làm việc với cơ quan báo chí theo chương trình kiểm tra công tác thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX và câu trả lời “Tốp hai khu vực” của tập thể tham dự cuộc họp. Riêng tôi, sau cuộc họp đến nay gần 6 tháng, cảm giác bất an vẫn còn của câu hỏi mang tính chất “hội nhập” này và tự hỏi lấy tiêu chí nào để tự đánh giá mình là tốp hai trong khu vực? Doanh thu quảng cáo hay chất lượng chính trị? Nếu dựa trên tiêu chí quảng cáo thì chức năng giáo dục thẩm mỹ, định hướng dư luận xã hội ở đâu?
Có lẽ điều này những người làm báo ai cũng thuộc cũng hiểu, có điều đáng buồn là khi đánh giá một tờ báo mạnh, yếu dường như mọi người lại đo lường bằng số lượng báo phát hành hay số tiền “sạch” quảng cáo bao nhiêu? Ít nghe thấy ai đề cập đến nội dung chất lượng chính trị tờ báo, hoặc chương trình truyền hình thế nào, ngoại trừ một vài đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban Tuyên giáo và số ít cán bộ hưu trí, điều đó cũng phù hợp với nhận xét của các doanh nghiệp, công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo ngành Tài chính mà ngay cả một số người làm báo cũng chưa thật sự quan tâm bày tỏ chính kiến của mình để bảo vệ tôn chỉ mục đích của báo.
Vậy nguyên nhân từ đâu? vì sao có những nhận xét đánh giá trái chiều như vậy? Theo tôi có lẽ căn nguyên của nó là vấn đề kinh tế, chi phí hoạt động, thu nhập, đời sống cán bộ, viên chức người làm báo... Hiện nay do phần lớn các cơ quan báo chí đều được Nhà nước bao cấp để phục vụ nhiệm vụ chính trị với các loại tự chủ tài chính như: thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo Nghị định 43/CP của Chính phủ, tự chủ một phần hoặc toàn phần đối với một vài tờ báo lớn, Đài truyền hình có công suất cao tầm phủ sóng rộng, có thương hiệu, doanh thu cao, những lợi thế này thuộc về một vài tờ báo lớn, Đài truyền hình Quốc gia ở trung tâm thành phố được phủ sóng vệ tinh toàn quốc và nước ngoài.
Còn lại phần lớn các báo, đài địa phương phải vất vả chạy vạy kiếm quảng cáo, tìm tài trợ để có nguồn thu cân đối hoạt động. Do vậy không lạ gì thời gian gần đây các “cò” báo, tạp chí ngành cấp trên thường xuyên điện thoại o ép các tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp trong tỉnh đăng tải quảng cáo với nhiều lời lẽ hoa mỹ. Mạnh bạo hơn có một số “cò báo” còn lợi dụng pháp nhân của các cơ Đảng, Nhà nước cấp trên yêu cầu cấp ủy, cơ quan Nhà nước địa phương đăng quảng cáo mà chẳng cần biết đối tác có nhu cầu hay không.
Phải thừa nhận, quảng cáo ngày nay đã trở thành ngành công nghiệp hái ra tiền, mục đích của quảng cáo là để cung cấp thông tin trao đổi, giới thiệu sản phẩm của nhà sản xuất, tổ chức doanh nghiệp đến người tiêu dùng biết lựa chọn, tìm hiểu hợp tác mua sắm. Việc các cơ quan báo chí ngoài nhiệm vụ chính trị, tổ chức thông tin quảng cáo để có nguồn thu, chi phí cho hoạt động nâng cao đời sống CBVC để họ tiếp tục gắn bó với nghề, không trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước là một chủ trương đúng cần phát huy. Tuy nhiên, để báo chí không sa đà vào kinh tế, buông lỏng tôn chỉ mục đích của mình, Nhà nước không nên giao chỉ tiêu doanh thu, cần có chính sách hỗ trợ bổ sung đủ kinh phí hoạt động cho các báo, đài có nguồn thu thấp.
Đồng thời, phải thực sự xem báo chí là công cụ tuyên truyền chính trị phi lợi nhuận để báo chí tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, không bị chi phối kinh tế ảnh hưởng chất lượng chính trị của báo chí. Khi nhận xét đánh giá báo chí phải lấy hiệu quả chính trị, ổn định xã hội làm thước đo cho một tờ báo, không nên nhìn vào số lượng báo phát hành hay số lượng khán giả xem phim bộ nhiều tập phát sóng trên truyền hình để đánh giá, có như vậy báo chí sẽ an tâm tập trung hơn cho nhiệm vụ báo chí “Cách mạng” của mình.
Việt Ngân