Trung đoàn 320 chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với chiến sĩ trẻ
Cập nhật ngày: 13/06/2014 06:34:01
Với kinh nghiệm thực tiễn cùng sự sâu sát trong quản lý, giáo dục, cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn 320 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp) đã có những giải pháp hữu hiệu hạn chế được những phát sinh tư tưởng tiêu cực và tình trạng vi phạm kỷ luật của chiến sĩ.
Trung úy Lê Quốc Thái, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320 trao đổi khá cởi mở khi đề cập đến vấn đề này. Thái nhận định rằng, chiến sĩ mới khi nhập ngũ, hầu như ít phải vướng bận chuyện gia đình. Đa phần họ bị xáo trộn bởi nếp sinh hoạt có khuôn khổ, có kỷ luật trong môi trường quân ngũ. Mặc khác, do còn ở độ tuổi “ham chơi”, đôi khi bị bạn bè lôi kéo, rủ rê không kiềm chế được bản thân nên dẫn đến việc vi phạm qui định của đơn vị...
Thái cho biết: “Mỗi đợt tiếp nhận lính mới, đơn vị đều thành lập tổ chiến sĩ bảo vệ. Mỗi tiểu đội xây dựng 1 chiến sĩ, hoặc cán bộ Tiểu đội trưởng được chọn lựa kỹ càng (đều là đảng viên). Chiến sĩ bảo vệ có nhiệm vụ quan sát, theo dõi khi phát hiện đồng đội có biểu hiện bất thường thì báo ngay với chỉ huy đơn vị để kịp thời xử lý”. Theo kinh nghiệm của Thái, các chiến sĩ gặp chuyện vướng mắc hay ngồi trầm tư, ít nói; tiếp thu bài giảng chậm; tối đến thường không ngủ được; hoặc giả ốm để không ra thao trường... Những trường hợp này đa số phát sinh từ quan hệ tình cảm trai gái trước khi vào đơn vị. Nếu như không kịp thời phát hiện, động viên, tìm ra hướng giải quyết dứt điểm sẽ dễ dẫn đến chiến sĩ có suy nghĩ cũng như hành động tiêu cực.
Câu chuyện được nhiều chiến sĩ nhắc đến là trường hợp của binh nhất Lê Thanh Hải, chiến sĩ Trung đội Cối 60mm (ngụ phường 4, TP.Cao Lãnh). Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị đảm nhiệm trực chiến, Hải cứ thấp thỏm vì không thể vào thăm cô bạn gái là sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp đang bị bệnh. Bí quá, Hải dự định “vượt rào” ra ngoài. Tuy nhiên, hành động này đã bị ngăn chặn bởi “tai mắt” của các chiến sĩ bảo vệ. Không những hiểu ra vấn đề, sai lầm của bản thân qua phân tích của chỉ huy đơn vị, Hải còn rút ra được bài học cho bản thân mình về trách nhiệm của một thanh niên, dẹp bỏ những lợi ích trước mắt để phấn đấu tốt trong thời gian tại ngũ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Hữu Bằng, Chính trị viên Tiểu đoàn 502, cho biết, ngoài việc quản lý chiến sĩ tại đơn vị, Tiểu đoàn còn thường xuyên tổ chức gặp gỡ gia đình của quân nhân theo Chỉ thị 413 của Chính ủy Quân khu “Về việc nâng cao phối hợp với cấp ủy, chính quyền và gia đình trong công tác quản lý, giáo dục chiến sĩ mới”. Anh Bằng quả quyết: “Khi có sự phối hợp chặt chẽ như thế trong quản lý, giáo dục chiến sĩ đã giảm được vi phạm thông thường và chấm dứt vi phạm phải kỷ luật, pháp luật xử lý”.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Công, Chính ủy Trung đoàn 320, để thực hiện tốt công tác tư tưởng nhất là đối với chiến sĩ, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân và đặc biệt là dân chủ ở cơ sở... Như lý giải của anh Công, thì người chỉ huy càng gần gũi, lời nói đi đôi với việc làm sẽ tạo được lòng tin với chiến sĩ. Khi được quan tâm, chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần thì chiến sĩ sẽ gắn bó với đơn vị, phấn đấu trong công tác. “Trong sinh hoạt, học tập, chắc chắn sẽ có nhiều phát sinh tiêu cực ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của mỗi người. Không giải quyết thấu đáo những vấn đề nhỏ, nó sẽ âm ỉ và rất dễ bộc phát, điều này vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu như mình sâu sát, biết lắng nghe, làm điểm tựa vững chắc cho chiến sĩ thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Theo đó, chất lượng huấn luyện sẽ nâng cao và tình trạng vi phạm kỷ luật chắc chắn không còn nữa”, Thượng tá Nguyễn Thành Công khẳng định.
Thế Hiển