Trung ương hỗ trợ tỉnh sáp nhập 100 tỷ đồng, xã sáp nhập 500 triệu đồng

Cập nhật ngày: 15/04/2025 16:48:58

Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết số 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.


Dự kiến sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành 1 thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi là TP Đà Nẵng (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Tỉnh sáp nhập được hỗ trợ 100 tỷ đồng

Liên quan đến kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phân cấp ngân sách Nhà nước để thực hiện xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính và các nhiệm vụ cần thiết khác do sắp xếp đơn vị hành chính.

Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách Nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách để chi các nhiệm vụ khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

"Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2025", nghị quyết nêu rõ.

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể các nhiệm vụ chi tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Theo định hưởng được Trung ương thông qua, 11 tỉnh, thành giữ nguyên trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành. Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.

Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Tiêu chuẩn của tỉnh và xã hình thành sau sắp xếp

Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.

"Trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mà làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện thì không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện mà đơn vị hành chính cấp xã đó trực thuộc", nghị quyết nêu.

Nghị quyết số 76/2025 quy định, đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Trường hợp sắp xếp tỉnh đã được định hướng thành thành phố trực thuộc trung ương thì tỉnh hình thành sau sắp xếp cần cơ bản đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc Trung ương.

Với cấp xã, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đáp ứng 4 định hướng.

Một là xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Hai là xã hình thành sau sắp xếp không thuộc điểm a và điểm d khoản này có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Ba là phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km² trở lên; đối với phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên.

Bốn là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị quyết nêu rõ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương để hình thành thành phố trực thuộc Trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã để bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là xã.

Theo Anh Văn (VTC News)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn