Xây dựng đội ngũ trí thức ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 16/11/2012 13:25:19

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, thời gian qua đội ngũ trí thức Đồng Tháp đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng. Công tác xây dựng đội ngũ trí thức ở tỉnh thể hiện sự xem trọng vị trí, vai trò của trí thức, có những bước tiến trong nhận thức và chỉ đạo thực hiện, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động, cống hiến và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi mới của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.


Hội thảo thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức
thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 216-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương có liên quan đến đội ngũ trí thức, ban hành nhiều văn bản triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá đúng vai trò của trí thức.

Gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đúng năng lực, sở trường của trí thức. Tạo điều kiện cho trí thức trẻ có nhiều đề tài, đề án khoa học, sáng kiến kinh nghiệm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Từ năm 2000 đến nay, trí thức trong tỉnh đã nghiên cứu, triển khai 140 đề tài, dự án cấp tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, khoa học xã hội và nhân văn... góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ trí thức luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm thực hiện, qua đó giúp cho đội ngũ trí thức nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, hiểu biết và nắm vững hơn đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ trí thức đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn gương mẫu, phấn đấu vươn lên, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để cống hiến ngày càng nhiều hơn, chất lượng hiệu quả cao hơn.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức đã có bước phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 34.129 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ Cao đẳng và Đại học trở lên, trong đó có 33 tiến sĩ, trên 800 thạc sĩ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ trí thức được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Từ năm 2006 - 2010, đã đưa đi đào tạo từ Cao đẳng trở lên 1.435 lượt cán bộ, công chức, trong đó đào tạo về cao cấp lý luận chính trị 343 người; quản lý nhà nước 6 thạc sĩ, 294 cử nhân; về chuyên môn 2 tiến sĩ, 40 thạc sĩ, 750 Đại học, Cao đẳng.

Thực hiện Đề án Mêkong 1000 của tỉnh, kết quả giai đoạn I (2006-2011) có 51 ứng viên xét được tuyển đưa đi đào tạo 49 thạc sĩ, 2 tiến sĩ. Ngoài ra, UBND tỉnh chủ động liên kết với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác công tác nghiên cứu các công trình, dự án, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, vì vậy rất cần sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của các đối tượng xã hội về vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong tình hình hiện nay, trong sự nghiệp phát triển của địa phương.

Long Hồ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn