Chủ động sáng tạo, ứng dụng phát triển kinh tế và xã hội số
Cập nhật ngày: 02/07/2023 06:01:34
ĐTO - Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp và sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng các kế hoạch cụ thể hóa Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và phong trào thi đua “Đồng Tháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025, nhằm xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.
Viên chức tại TP Cao Lãnh (bên trái) hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ, cán bộ công nghệ thông tin về chuyển đổi số để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số; thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng về văn hóa, con người, kinh tế - xã hội địa phương hướng đến phát triển Đồng Tháp thịnh vượng, ổn định và bền vững.
Hàng năm, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tiến hành khảo sát, đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp bằng nhiều hình thức phù hợp, trên các nội dung quản lý Nhà nước như: ban hành cơ chế, chính sách pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật; cung cấp dịch vụ công... của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tỉnh tập trung cải thiện các Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI, DDCI), theo đó, PCI năm 2022 tiếp tục đạt kết quả khá tốt (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố), 15 năm liền xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước. Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 325 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1.950 tỷ đồng.
Tỉnh tiếp tục quan tâm chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực: ngành y tế tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng khám và điều trị, xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh, mô hình bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử cho các bệnh viện, trung tâm y tế, quản lý chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nâng cấp hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh. Đào tạo, huấn luyện về y tế thông minh, an ninh mạng, hệ thống kết nối trực tuyến với các bệnh viện lớn để nâng cao năng lực điều trị, chất lượng khám, chữa bệnh. Tương tự, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin, kiến thức số, kỹ năng số cho công chức, viên chức của ngành. Triển khai đào tạo, áp dụng mô hình Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM), Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Nghệ thuật - Toán học (STEAM). Số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia học tập suốt đời... Phấn đấu đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong nhóm 25, đến năm 2030 nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt của cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
NGỌC TÂM