Chuyển đổi số thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 15/02/2024 05:55:37

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240215054431cx5.mp3

 

ĐTO - Trước khi khởi động chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động trong việc ứng dụng cơ giới hóa tiên tiến, công nghệ thông tin, số hóa vào sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tích hợp vào nền tảng dữ liệu số. Các kết quả bước đầu này là nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh bắt nhịp tốt với tiến trình CĐS, là giải pháp hàng đầu quyết định sự thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện (bìa trái) kiểm tra việc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp” (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh)

Ngay sau khi Đề án CĐS ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, các cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động lồng ghép hoặc ban hành kế hoạch, chương trình hành động, triển khai và tổ chức quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, tạo được sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị trong thực hiện.

Từ đầu năm 2023, sau khi Ủy ban Quốc gia về CĐS giao Đồng Tháp tiên phong trong triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động tham mưu UBND tỉnh tập trung, đẩy nhanh tiến độ việc ứng dụng số hóa thông qua nền tảng VDAPES để số hóa dữ liệu quản lý, tự động hóa hệ thống dữ liệu thống kê ở tất cả các lĩnh vực của ngành đang quản lý, gồm: trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, phát triển nông thôn, thủy lợi, lâm nghiệp, nông thôn mới, OCOP, truy xuất nguồn gốc... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan, nhiều HTX đã ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp như: sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cấy lúa bằng máy, bón vùi phân tan chậm, sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) cũng như các HTX khác trong tỉnh đang tập trung CĐS theo Chỉ thị 19/CT-TTCP ngày 3/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh CĐS trong kinh tế hợp tác, HTX; thực hiện Đề án CĐS ngành nông nghiệp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, cho biết: “HTX đang quản lý và thực hiện gần 1.200ha đất sản xuất nông nghiệp, gần 100% nông dân đã sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật rất tiện lợi; các sản phẩm của HTX như: lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai đều gắn mã QR minh bạch trong sản xuất, đảm bảo chất lượng, tính an toàn, thuận tiện trong quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. HTX  sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm... Chúng tôi có định hướng đầu tư mô hình “Trạm giám sát sâu rầy thông minh” tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy giúp người nông dân an tâm sản xuất. Việc CĐS, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả sản xuất và kinh tế cao, góp phần phát triển HTX theo hướng bền vững”.


Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) sử dụng thiết bị bay không người lái để phun phân, thuốc

Theo ông Lê Quang Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ngoài tiếp tục đẩy mạnh quá trình CĐS trong hoạt động điều hành, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng về CĐS cho đội ngũ công chức, viên chức, Liên minh HTX tỉnh đề ra giải pháp tập trung CĐS trong các HTX theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện Đề án CĐS ngành nông nghiệp. Đồng thời ứng dụng công nghệ để số hóa dữ liệu quản lý, tự động hóa trong quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất...

Đến nay, trong lĩnh vực NN&PTNT, 100% cơ sở dữ liệu (tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; có 89,8% thủ tục hành chính cấp tỉnh đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hóa OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP, giúp cho việc truy xuất, quản lý sản phẩm được công nhận hiệu quả hơn.

Toàn tỉnh đã lắp đặt 6 Trạm quan trắc nước thông minh; 15 Trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ công tác triển khai các mô hình ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc; có trên 1.000 mã vùng trồng với diện tích 79.044,49ha được phê duyệt phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và 7 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn bộ dữ liệu quản lý truy xuất nguồn gốc đều được tích hợp, quản lý trên nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh có 22 Hội quán, 33 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới phun tự động, tưới ngập khô xen kẽ...).


Nhân viên Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam (giữa) giới thiệu Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp tại Ngày hội
“Hội quán Đất Sen hồng” lần I năm 2023

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Một trong những kết quả của tỉnh được đánh giá là vượt bậc so với các địa phương khác trong vùng là xây dựng và đưa vào vận hành Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Sở NN&PTNT đang phối hợp các địa phương tiến hành nhập dữ liệu, báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý để từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã), hướng đến phát triển cơ sở dự liệu lớn của ngành và kết nối, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp. Để đạt hiệu quả nhanh trong CĐS ngành nông nghiệp, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về CĐS, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cả hệ thống chính trị các cấp và người dân để cùng thực hiện. Người dân hiểu và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất là một trong những giải pháp hiệu quả cải thiện các chỉ số về năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Có như vậy thì việc đưa nền nông nghiệp của tỉnh chuyển đổi từ “Nông nghiệp truyền thống” sang “Nông nghiệp hiện đại” sẽ đi nhanh hơn”.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn