Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 28/04/2024 05:44:44

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240428054614dt2-7.mp3

 

ĐTO - UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 105 ngày 11/5/2020 về cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời phân công nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực mang lại kết quả thiết thực, tiêu biểu cụ thể như lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.


Cán bộ, công chức ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự

UBND tỉnh đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh, Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông giai đoạn 2021 - 2025 và hơn 20 kế hoạch, đề án riêng để cụ thể hóa Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy khóa XI về chuyển đổi số tỉnh và Đề án Chuyển đổi số tỉnh. Cùng với đó, đề xuất, đưa định hướng phát triển hạ tầng thông tin, truyền thông vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Năm 2022, tỉnh thiết lập Trung tâm giám sát điều hành thông minh trong quản lý, điều hành tập trung, đa nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị. Qua hơn 1 năm hoạt động, Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng chuyển đổi số, đô thị thông minh, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh.

Triển khai Nghị quyết số 04 và Đề án Chuyển đổi số tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Qua 2 năm thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số được đẩy mạnh trong tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh (nông nghiệp, y tế, giáo dục). Đến nay, có 100% các cơ quan hành chính điều hành giải quyết công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành iDesk (được kết nối, liên thông đến 4 cấp).

Hầu hết các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (841 thủ tục, đạt 47,1%), kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các phần mềm dùng chung, phần mềm quản lý chuyên ngành triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, hệ thống thông tin ngành y tế, hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa... được triển khai hiệu quả trên địa bàn. Cùng với đó, 100% trường học trong tỉnh kết nối Internet băng rộng và sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công dân số e-Dongthap được đưa lên Appstore và Google Play. Từ những ứng dụng này, người dân có thể tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cũng như phản ánh các kiến nghị với cơ quan nhà nước.

Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh từng bước được hoàn thiện và kết nối thông suốt với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia (hiện đã kết nối 19/23 hệ thống thông tin Cơ sở dữ liệu Quốc gia). Trung tâm dữ liệu tỉnh được nâng cấp hiện đại, nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, đáp ứng cho các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và dữ liệu mở. Hàng năm, ngành chức năng tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: đào tạo, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ chữ ký số cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và mới thành lập, kỹ năng tham gia thương mại điện tử, ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập huấn hướng dẫn kỹ năng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hướng dẫn nộp và đánh giá hồ sơ đề xuất hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời thông tin đến doanh nghiệp các giải pháp hỗ trợ phát triển thông qua các sản phẩm số như: phần mềm kế toán, phần mềm quản trị doanh nghiệp tổng thể, chữ ký số điện tử, hóa đơn điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý bán hàng, thương mại điện tử. Việc bán hàng và mua sắm hàng hóa trên môi trường điện tử đã trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; năng suất lao động bình quân hàng năm tăng gần 10%; trên 70% sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn