Đồng Tháp tiên phong xây dựng chính quyền số
Cập nhật ngày: 28/02/2023 05:38:25
ĐTO - Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cụ thể hóa chủ trương này thành những chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo.
Đồng Tháp xây dựng chính quyền số trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính nhằm hướng đến phục vụ người dân
Xây dựng chính quyền số, Đồng Tháp đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử như: hoàn thành việc nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); liên thông với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia; triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến 100% cơ quan hành chính, đơn vị.
CHUYỂN ĐỔI SỐ - ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước (CQNN) là hướng tới cung cấp DVC thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động CQNN; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các CQNN; phát triển dữ liệu mở của CQNN để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề xã hội, là con đường ngắn nhất để đưa Đất Sen hồng đi lên hiện đại, thịnh vượng, UBND tỉnh đã đề ra chủ trương phát triển: “Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá - Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong”.
Hiện nay, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh đã cung cấp trên 15.000 tài khoản, bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức đều có hộp thư công vụ để trao đổi công việc. Đồng thời dùng làm tài khoản đăng nhập để sử dụng các dịch vụ, phần mềm dùng chung của tỉnh. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được triển khai cho tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ở 3 cấp tỉnh - huyện - xã và một số cơ quan mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp để xử lý văn bản qua môi trường mạng; 100% văn bản đi, đến giữa các cơ quan nhà nước trực thuộc tỉnh đều được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử có ký số theo quy định. Hệ thống một cửa điện tử và DVC trực tuyến đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; cung cấp 787 DVC trực tuyến mức 3, 4 (đạt trên 42%) so với tổng số TTHC của tỉnh.
Tại hội nghị công bố Ngày chuyển đổi số và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp diễn ra ngày 10/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra chuyển biến mới đối với tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp tập trung vào 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chọn 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: nông nghiệp, giáo dục, y tế để tạo sự lan tỏa, hướng đến người dân làm cốt lõi để phục vụ.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng thanh niên, các hội quán nông dân, hướng dẫn trực tiếp cho người dân tạo tài khoản công dân điện tử, nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi, tra cứu tình hình xử lý hồ sơ, sử dụng các ứng dụng thông minh. Mới đây nhất, UBND Phường 2, TP Cao Lãnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường. Công dân đến thực hiện các TTHC xong sẽ quét mã VNPAY-QR thanh toán phí không dùng tiền mặt.
Ông Hồ Lê Hoàng Khoa - Chủ tịch UBND Phường 2 chia sẻ: “Việc triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn phường nói riêng và thành phố nói chung trải nghiệm hình thức thanh toán mới, hiện đại. Đây là bước đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính, qua đó giúp công dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần chung vào công cuộc xây dựng Phường 2 và TP Cao Lãnh văn minh, hiện đại”.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động của UBND phường và hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, tôi nhận thấy sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch rất tiện lợi, thanh toán nhanh chóng. Hiện nay, gia đình tôi cũng đã áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thanh toán tiền điện, tiền nước, nạp tiền điện thoại, mua hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị. Theo tôi, người dân nên áp dụng công nghệ thanh toán tiền nhằm hạn chế các rủi ro của việc dùng tiền mặt”.
TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Để phát triển xã hội số, tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án thí điểm thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng. Theo đó, mỗi huyện sẽ lựa chọn 1 khóm, ấp để thành lập, sau thí điểm, nếu mô hình thành công sẽ tổ chức nhân rộng đến 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, Tổ công nghệ số cộng đồng ấp An Thái (xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò) đã triển khai phủ sóng VietQR, thông qua thanh toán không dùng tiền mặt tại Quán Cà phê Thanh Nữ.
Bà Ngô Thị Hai - Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A cho biết: “Với phương thức thanh toán qua mã VietQR, khách hàng sử dụng App của ngân hàng nào cũng thanh toán tiền được. Mô hình góp phần hỗ trợ hiệu quả cùng với chính quyền địa phương hưởng ứng và thực hiện tốt chuyển đổi số trên địa bàn xã. Ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ các hộ kinh doanh tạo mã QR Code sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi có sự đồng hành của chủ kinh doanh và người dân”.
Trong lĩnh vực y tế, đến nay, Đồng Tháp có 100% bệnh viện, trung tâm y tế huyện sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử; 100% trạm y tế xã, phường sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân. Sở Y tế đã đưa vào vận hành Hệ thống hội chẩn y tế từ xa giữa các bệnh viện trong tỉnh. Theo Sở Y tế, từ khi đưa vào sử dụng các đơn vị trực thuộc đã thực hiện được nhiều ca hội chẩn, hỗ trợ kỹ thuật đối với những ca khó, cấp cứu để người bệnh có thể được can thiệp và hỗ trợ tư vấn kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ ở tuyến trên.
Sở Y tế cũng đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin quản lý ngành y tế để thực hiện việc kết nối dữ liệu trực tuyến với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn và hình thành kho dữ liệu y tế điện tử của hơn 1,1 triệu người dân. Với hệ thống này, tại Sở Y tế có thể giám sát và điều hành công tác khám, chữa bệnh theo thời gian. Sở Y tế đã phát hành ứng dụng di động Y tế Đồng Tháp cho phép người dân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ của ngành y tế trên môi trường mạng. Hiện nay, tất cả các bệnh viện trên toàn tỉnh đã triển khai dịch vụ tiếp nhận đặt hẹn khám theo giờ từ xa thông qua ứng dụng di động này. Với cách làm tiên phong nêu trên, ngành y tế Đồng Tháp có mức độ sẵn sàng cao về ứng dụng công nghệ thông tin và có nhiều thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số, góp phần xây dựng chính quyền số.
Tổ công nghệ số cộng đồng ấp An Thái, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt
Thời gian qua, việc triển khai sử dụng phần mềm giao dịch bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử tại BHXH tỉnh Đồng Tháp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp việc giao dịch giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH được nhanh chóng, thuận tiện. Theo bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh, BHXH tỉnh bố trí nhân sự tăng cường để hỗ trợ hướng dẫn cá nhân thực hiện TTHC qua DVC vào những ngày cao điểm tại Bộ phận một cửa. Qua đó, số lượng hồ sơ nộp và tiếp nhận thông qua DVC trực tuyến tăng so với trước.
Về xây dựng và phát triển chính quyền số, BHXH tỉnh triển khai quy trình tiếp nhận quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC quốc gia; triển khai DVC trực tuyến “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tích hợp giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC”; ban hành quy trình giải quyết hưởng BHXH một lần áp dụng thí điểm xác thực mã chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động...
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền số trong thời gian tới, Đồng Tháp hoàn thiện Cổng DVC tỉnh theo hướng cung cấp dịch vụ số, kết nối, tích hợp với Cổng DVC quốc gia, Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia; triển khai 100% DVC trực tuyến mức 4. Cùng với đó, tỉnh xây dựng Hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu số của hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, giúp người dân quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của mình, cung cấp chia sẻ với các CQNN, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy để tiết kiệm chi phí...
DƯƠNG ÚT