Huyện Cao Lãnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

Cập nhật ngày: 30/09/2023 05:23:53

ĐTO - UBND huyện Cao Lãnh đã và đang triển khai, thực hiện đồng bộ công tác chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, được người dân đồng tình, hưởng ứng tích cực.

UBND huyện Cao Lãnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của cấp huyện, cấp xã phục vụ CĐS phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. Đồng thời phối hợp triển khai, thực hiện hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng CĐS, mã định danh điện tử, số hóa dữ liệu, địa chỉ số... sẵn sàng kết nối chia sẻ trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phục vụ CĐS. Toàn huyện có trên 95% dân số trong độ tuổi lao động sử dụng được các nền tảng số và các thiết bị thông minh.

Bên cạnh đó, UBND huyện quan tâm triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân và doanh nghiệp như: sổ sức khỏe điện tử, định danh điện tử, dạy và học trực tuyến, sổ học bạ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, kinh doanh online, mua bán trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, App nông nghiệp xanh; áp dụng khoa học, kỹ thuật phát triển nông nghiệp thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp; nâng cao tỷ lệ người người dân sử dụng tài khoản ngân hàng, dịch vụ Banking, ví điện tử... Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện triển khai thực hiện Đề án CĐS ngành nông nghiệp; đăng ký mô hình “Ứng dụng thương mại trong sản xuất nông nghiệp” tại xã Mỹ Xương và triển khai nhiều mô hình ứng dụng thông minh trong sản xuất nông nghiệp như: phun thuốc, sạ lúa, rải phân bằng thiết bị bay; hệ thống tưới nước tự động... đạt nhiều kết quả nổi bật, giảm chi phí vật tư, chăm sóc, tăng năng suất, sản lượng, kiến thức số của người nông dân ngày càng được nâng lên, trên 80% nông dân biết ứng dụng các nền tảng số, sử dụng internet để cập nhật kiến thức trong sản xuất nông nghiệp; 100% sản phẩm OCOP tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hóa đơn điện tử...


Ông Lưu Tuấn Kiệt được đoàn viên, thanh niên xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh hỗ trợ thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến về hộ tịch

Tại xã Nhị Mỹ, từ tháng 4/2023, UBND xã Nhị Mỹ triển khai thực hiện mô hình “Người dân không viết” và mô hình “Ngày thứ Năm không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), từ đó tỷ lệ TTHC thực hiện qua cổng DVCTT ngày càng tăng, góp phần hiện đại hóa cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số tại địa phương. Ông Lê Cẩm Bình - Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ, cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các TTHC, hạn chế việc đi lại nhiều lần, UBND xã thực hiện mô hình “Người dân không viết” gắn với DVCTT và “Ngày thứ 5 không hẹn” thực hiện ở các lĩnh vực: chứng thực, sao y, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân. Từ khi thực hiện mô hình này, số lượng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tăng hơn trước, thủ tục nhanh gọn, tạo sự hài lòng trong Nhân dân”.

UBND huyện Cao Lãnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, phần mềm ứng dụng trong hoạt động hành chính, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nền hành chính, thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn huyện. Hiện 100% các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện cung cấp 329 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện qua cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử. Trong đó, cung cấp 80 TTHC áp dụng DVCTT mức độ 3; 89 TTHC áp dụng DVCTT mức độ 4 và 166 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Năm 2022, toàn huyện đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến hơn 17.000 hồ sơ, trong đó số hồ sơ cấp xã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên 16.000 hồ sơ.

Ông Nguyễn Thế Hồng Trung - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết: “Để thực hiện tốt chương trình CĐS, thời gian tới, huyện ưu tiên việc trang bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc phục vụ công việc. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện CĐS trong Nhân dân; nhân rộng mô hình thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thị trấn, từng bước hình thành Tổ công nghệ số cộng đồng ở ấp, khóm, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hướng đến xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn huyện”.

N.LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn