Phát triển kinh tế số trong chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 09/10/2024 13:00:44
ĐTO - Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Ngày CĐS tỉnh Đồng Tháp (10/10/2024), sáng ngày 9/10, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế số trong CĐS tỉnh Đồng Tháp”. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị, các doanh nghiệp CĐS… dự hội thảo. Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông công bố bảng xếp hạng CĐS các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố năm 2023.
Đại biểu dự hội thảo trải nghiệm nhiều mô hình của các doanh nghiệp chuyển đổi số
Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ - Giám đốc Sở TT&TT, Phó Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, CĐS không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển bền vững, trong đó kinh tế số là khâu đột phá chiến lược để đưa Đồng Tháp vươn lên, ổn định và phát triển kinh tế. Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số. Kinh tế số gồm 3 thành phần: kinh tế số ICT (sản xuất phần cứng, phần mềm, sản xuất nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truy cập internet); kinh tế số nền tảng (kinh tế dữ liệu số, kinh tế nền tảng số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ…); kinh tế số ngành, lĩnh vực (quản trị điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp và du lịch thông minh).
Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông nên có thể nói kinh tế số, đặc biệt là kinh tế số ICT không phải là lợi thế. Năm 2023, trong khi đóng góp của kinh tế số cho GDP Việt Nam là 15% thì mức đóng góp cho GRDP tỉnh Đồng Tháp là 4,96% (đứng 62/63 tỉnh, thành phố cả nước). Điều này cho thấy, tỉnh Đồng Tháp cần nỗ lực mới theo kịp mặt bằng chung về phát triển kinh tế số. Nhận thức được điều này, hai năm gần đây khẩu hiệu hành động của tỉnh đều tập trung vào CĐS: năm 2023: “Kinh tế xanh sen hồng bứt phá - Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong”; năm 2024: “Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”.
Để hiện thực hóa khát vọng đó, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức CĐS qua các phương tiện truyền thông, các cuộc thi tìm hiểu về CĐS và hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh cũng tập trung đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người dân. Đến nay, 67% dân số trên địa bàn tỉnh đã có kỹ năng số cơ bản như: khai thác thông tin trên mạng internet, sử dụng mạng xã hội, mua bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, sử dụng hoặc thuê các thiết bị IoT vào sản xuất và đời sống.
Muốn phát triển kinh tế số thành công, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông là rất quan trọng. Hiện internet băng thông rộng đã kết nối đến 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh với 83,66% hộ gia đình sử dụng; mạng di động 3G, 4G, 5G đã phủ kín các khu vực dân cư với 94,5% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh. Sở TT&TT đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ người dân hướng đến 100% thuê bao di động đều sử dụng điện thoại thông minh. Tỉnh tiếp tục đầu tư vào mạng lưới internet băng thông rộng để mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS…
Tỉnh Đồng Tháp đã và đang nỗ lực thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh; triển khai có hiệu quả và đồng bộ nhiều giải pháp dựa trên ba trụ cột CĐS là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh lựa chọn 3 lĩnh vực ưu tiên để tập trung thúc đẩy CĐS là nông nghiệp, y tế và giáo dục để thực hiện các nhiệm vụ chính trong Đề án CĐS của tỉnh.
Tuy xuất phát điểm có thấp hơn các địa phương khác nhưng với sự kiên trì, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay kết quả CĐS của tỉnh Đồng Tháp đạt được một số kết quả tích cực. So với chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy Đồng Tháp có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt, 3/17 chỉ tiêu có khả năng đạt trong năm 2025 và 2/17 chỉ tiêu đạt kết quả thấp cần phải nỗ lực hơn mới có thể hoàn thành trong năm 2025; so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp: vượt và đạt 31/46 chỉ tiêu, chưa đạt 12/46 chỉ tiêu, 3 chỉ tiêu chưa có cơ sở đánh giá.
Ông Nguyễn Thái Bình - chuyên gia bảo mật Palo Alto Networks (bìa trái) trình bày tại hội thảo
Tại hội thảo nhiều đơn vị, cá nhân đã trình bày tham luận, như: “CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” (Viettel Đồng Tháp); “Xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến” (Sở Khoa học và Công nghệ); “Phổ cập tên miền quốc gia “.vn” gắn với dịch vụ số, lời giải phát triển, công dân số, xã hội số, kinh tế số” (Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC); “Bảo mật hệ thống trên nền tảng AI và phòng chống Ransomware (ông Nguyễn Thái Bình - chuyên gia bảo mật Palo Alto Networks trình bày); “VNPT đồng hành phát triển kinh tế số Đồng Tháp; "Kết quả đạt được trong thực hiện CĐS trên địa bàn huyện Tháp Mười và giải pháp nâng cao kết quả CĐS " (UBND huyện Tháp Mười); “Kinh nghiệm phổ cập kỹ năng số phục vụ phát triển kinh tế số” (Tổ Công nghệ số cộng đồng xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành)…
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh (thứ hai từ phải sang) trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các sở, ngành tỉnh
Tại hội thảo, Sở TT&TT công bố bảng xếp hạng DTI (chỉ số đánh giá, xếp hạng CĐS các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh) năm 2023. Theo đó, cấp sở, ngành tỉnh: Sở Khoa học và Công nghệ hạng Nhất, Sở Công Thương hạng Nhì; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hạng Ba; các địa phương: huyện Tháp Mười hạng Nhất, TP Sa Đéc hạng Nhì và TP Cao Lãnh hạng Ba. Các đơn vị này được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS năm 2023.
Dịp này, 12 tập thể và 12 cá nhân Tổ Công nghệ số cộng đồng và thanh niên CĐS được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong triển khai hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024; Sở TT&TT công bố kết quả và trao thưởng Cuộc thi tìm hiểu về CĐS trên app e-Đồng Tháp.
Thành Nam