Du lịch Đồng Tháp
Làm gì để thu hút du khách và tăng nguồn thu
Cập nhật ngày: 12/03/2014 04:16:13
Năm 2013, khách du lịch đến Đồng Tháp đạt 1.622.000 lượt, tăng 11,07% so với năm 2012, trong đó, có 40.000 lượt khách quốc tế, tăng 13,61% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng thu từ du lịch ước đạt 243 tỷ đồng, tăng 22,73% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của ngành Du lịch Đồng Tháp.
Thời gian qua, du lịch Đồng Tháp ưu tiên phát triển các sản phẩm như: tham quan rừng tràm, cánh đồng sen, phong cảnh thiên nhiên sông nước vùng Đồng Tháp Mười; tham quan các di tích văn hóa lịch sử, lễ hội, văn hóa Óc Eo; trãi nghiệm,... Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc sản địa phương và xây dựng sản phẩm quà lưu niệm Đồng Tháp...
Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thì Đồng Tháp thu hút lượng du khách đến tham quan đông đứng hàng thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng nguồn thu từ dịch vụ du lịch chỉ đứng hàng thứ 9/13 tỉnh, thành ĐBSCL - một con số đáng để suy ngẫm.
Một người bạn ở TPHCM sau một lần về Đồng Tháp (ĐT) tham quan đã thổ lộ với tôi: “Mình thấy quê bạn có nhiều phong cảnh đẹp và nhiều địa điểm tham quan du lịch như Vườn Quốc gia Tràm Chim, làng hoa Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, hay Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Xẻo Quýt, Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nhưng du khách đến nơi đây chỉ dừng lại ở việc tham quan, ngắm cảnh chứ không có nhiều dịch vụ để vui chơi, giải trí”. Câu nhận xét của bạn tôi khá đúng với thống kê của ngành du lịch Đồng Tháp.
Điều mà khách du lịch quan tâm hiện nay là: điểm đến đó có gì vui chơi, có nét gì độc đáo, có đặc sản gì; văn hóa và đời sống của người dân nơi đó như thế nào...
Có thể nhận thấy một sản phẩm du lịch thu hút thì cần hội tụ các yếu tố như: phong cảnh đẹp, nét đẹp văn hóa dân gian lâu đời của người dân, dịch vụ vui chơi độc đáo, ẩm thực, tìm hiểu về nhân vật nổi tiếng ở vùng đất đó. Trong các yếu tố này thì du lịch Đồng Tháp có phong cảnh đẹp ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông), Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Xẻo Quýt (H.Cao Lãnh), đầm sen (Tháp Mười), làng hoa Sa Đéc, vườn quýt hồng Lai Vung, có nhiều sông ngòi, kênh rạch...; có di chỉ Gò Tháp (nền văn hóa Óc Eo), có chùa Kiến An Cung, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê... Tuy nhiên, bản thân di tích hay cảnh quan đẹp không thể giữ chân du khách mà cần có tác động từ những sáng tạo của những người làm du lịch; cần tạo ra nhiều dịch vụ “lạ”, “độc”, sáng tạo để thu hút và níu chân du khách. Rất tiếc là hiện nay các điểm du lịch ở Đồng Tháp chưa có nhiều dịch vụ để du khách vui chơi.
Vấn đề này chúng ta cần phải học hỏi cách làm du lịch của người Thái. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Minh Trung đã dẫn đầu đoàn cán bộ đi tham quan, học hỏi mô hình làm du lịch ở Thái Lan, chia sẻ: “Ở Thái Lan, họ làm du lịch rất chuyên nghiệp. Tất cả điều do Hiệp Hội Du lịch Thái (một tổ chức xã hội nghề nghiệp) quản lý và điều hành. Cái hay của ngành du lịch Thái Lan là họ sáng tạo ra nhiều dịch vụ du lịch rất lạ và độc đáo, đánh đúng vào tâm lý của du khách. Ví dụ như du lịch, nếu muốn thì du khách có thể đi ăn đám cưới hay đám giỗ của người Thái để hòa mình và trãi nghiệm phong tục tập quán của người Thái Lan. Hay cái chợ nằm trên đường ray xe lửa vẫn được người Thái giữ gìn để phục vụ khách du lịch và nó đã trở nên nổi tiếng. Thoạt nhìn tưởng rất nguy hiểm nhưng người Thái đã sắp xếp để không xảy ra tai nạn khi đoàn tàu lửa đi qua. Và khi du khách tham gia ăn tiệc cưới hay đi tàu hỏa để chứng kiến cảnh chạy chợ trên đường ray thì phải móc hầu bao. Từ những gói dịch vụ đa dạng hấp dẫn như thế ngành du lịch Thái đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân.
Muốn tạo ra một sản phẩm du lịch thu hút thì phải mang nét đặc thù và độc đáo không trùng lặp với sản phẩm du lịch của địa phương khác. Có người cho rằng, Đồng Tháp có thể tổ chức hội thi bơi xuồng (chống xuồng) mùa nước nổi, hay cuộc thi ai cắm hoa sen đẹp nhất (biểu trưng của Đồng Tháp); có thể kết hợp vừa du lịch vừa thưởng thức văn nghệ, thể thao như xem vận động viên đá cầu hàng đầu thế giới biểu diễn, hay tự tay bắt chuột đồng hoặc làm món cá lóc nướng trui, rồi cưỡi trâu mùa nước nổi... Muốn tạo ra được nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn chắc chắn phải có sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà làm du lịch và nhà dân. Trong đó nhà nước đóng vai trò tạo ra cơ sở hạ tầng và quản lý còn phần chính là do các nhà làm du lịch và người dân sáng kiến các sản phẩm du lịch độc đáo. Và đây cũng là hai thành phần trực tiếp tạo ra các dịch vụ thu hút du khách.
Có thể cảm nhận được là khách du lịch ít khi lo chuyện tiền nong. Vấn đề là làm sao để họ vui vẻ móc hầu bao và cảm thấy thoải mái, ấn tượng đẹp nơi họ đến. Vì vậy, ngoài tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch thì cần phải có những ý tưởng tạo ra nhiều dịch vụ du lịch để thỏa mãn nhu cầu cua khách tham quan, để tăng nguồn thu và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân.
Ngọc Bền